‘Tự do’ từ góc nhìn của một trong những ‘Người kiến tạo của thế kỷ XX’
Tự do là khát vọng không ngừng của con người trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng tự do thực sự là gì? Liệu chúng ta đã thật sự tự do như mình vẫn nghĩ?...
Đó là những câu hỏi được nhà tư tưởng Osho đặt ra trong cuốn sách "Tự do – Như chim tung cánh" do First News – Trí Việt vừa ấn hành. Qua tác phẩm này, Osho không chỉ giúp độc giả nhìn nhận lại khái niệm tự do mà còn dẫn dắt họ qua ba chiều kích để đạt đến tự do đích thực.
Osho cho rằng tự do không chỉ đơn thuần là khả năng “làm điều mình muốn” hay “thoát khỏi” các ràng buộc bên ngoài. Theo ông, những điều này vẫn chịu sự chi phối của tâm trí, mong muốn và khát vọng – vốn là dạng thức khác của nô lệ. Ông lý giải tự do qua ba chiều kích: tự do thể chất, tự do tinh thần và tự do tâm linh.
Chiều kích đầu tiên - tự do thể chất tập trung vào việc giải phóng con người khỏi các áp bức cụ thể như nô lệ, phân biệt đối xử hay bất công xã hội. Osho nhấn mạnh: “Không có sự phân biệt giữa da trắng và da đen, không có sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, không có bất kỳ sự phân biệt nào liên quan đến cơ thể. Không ai trong sạch, không ai uế tạp; mọi cơ thể đều như nhau”. Đây là nền tảng của tự do, nhưng chưa phải đích đến cuối cùng.
Tự do tinh thần là giai đoạn kế tiếp, theo Osho. Để đạt được tự do này, con người cần vượt qua các khuôn mẫu tư duy, định kiến và niềm tin bị áp đặt từ nhỏ. Ông cho rằng xã hội là một sản phẩm nhân tạo, nơi mỗi cá nhân bị “nhào nặn để phục tùng”. Sự tự do tinh thần chỉ xuất hiện khi ta đủ dũng cảm từ bỏ những chân lý được dạy sẵn, để tự mình khám phá sự thật.
Tuy nhiên, tự do tinh thần cũng chỉ là cánh cửa mở ra cấp độ cao nhất: tự do tâm linh. Đây là trạng thái con người nhận thức được bản chất chân thực của mình – không phải là cơ thể hay tâm trí, mà là tâm thức thuần khiết, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.
Theo Osho, tự do tâm linh không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài: “Tự do chẳng liên quan gì đến bên ngoài; con người có thể tự do ngay cả khi đang ở trong một nhà tù thực sự. Tự do là thứ ở bên trong; nó thuộc về tâm thức. Bạn có thể tự do ở bất cứ nơi nào – bạn vẫn có thể tự do khi bị xiềng xích, bị cầm tù – và bạn có thể không tự do khi ở bên ngoài nhà tù, trong chính ngôi nhà của mình, nhìn bề ngoài có vẻ hoàn toàn tự do nhưng bạn vẫn là tù nhân nếu tâm thức của bạn không tự do”.
Osho khẳng định rằng chỉ qua thiền định, con người mới có thể đạt được tự do tối thượng. Thiền không phải là nghi thức tôn giáo hay bài tập tâm lý, mà là cách để trở về với bản chất thuần khiết của chính mình. Ông mô tả hành trình này bằng những hình tượng như lạc đà, sư tử và đứa trẻ, giúp người đọc hình dung một cách dễ dàng nhưng không kém phần sâu sắc.
Tự do không chỉ là trạng thái được "làm điều mình muốn", mà còn là khả năng từ bỏ những bám víu và ràng buộc, cả hữu hình lẫn vô hình. Ông nhìn nhận: “Tự do là trải nghiệm tối thượng của cuộc sống. Không có gì cao hơn tự do”.
Triết lý của Osho, dù mang tính cá nhân sâu sắc, vẫn nhận được sự quan tâm lớn vì tính thời đại. Trong bối cảnh hiện nay, khi con người dễ dàng bị cuốn vào guồng quay của xã hội, đánh mất bản thân trong những “xiềng xích” hữu hình như tài sản, địa vị hay vô hình như kỳ vọng, trách nhiệm, triết lý của Osho là lời nhắc nhở mạnh mẽ về giá trị của tự do nội tại.
Dù vậy, Osho cũng không tránh khỏi những phản hồi trái chiều. Một số ý kiến cho rằng ông quá đề cao cá nhân, bỏ qua vai trò của cộng đồng. Tuy nhiên, Osho lại nhìn nhận rằng một xã hội tự do chỉ có thể được xây dựng khi từng cá nhân trong đó đã vượt qua được sự nô lệ bên trong. Đây là quan điểm vừa mang tính triết học, vừa phản ánh một thực tế rằng chỉ khi từng cá nhân chịu trách nhiệm với chính mình, xã hội mới thật sự phát triển bền vững.
Với giọng văn giàu tính khai mở, "Tự do – Như chim tung cánh" không chỉ là cuốn sách triết lý mà còn là hành trình dẫn dắt người đọc khám phá bản chất thật sự của tự do. Như Osho từng nhấn mạnh: “Tự do là chuyện cá nhân của bạn. Nó hoàn toàn chủ quan... Bạn tự do khi từ bỏ mọi rác rưởi của quá khứ và mọi ham muốn, tham vọng về tương lai.”
Cuốn sách này không chỉ khơi dậy những suy ngẫm sâu sắc mà còn thúc đẩy từng cá nhân thay đổi từ bên trong – một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng mang ý nghĩa to lớn cho nhân loại.
“Nếu bạn vứt bỏ mọi rác rưởi của quá khứ và mọi ham muốn, tham vọng về tương lai, thì trong chính khoảnh khắc này, bạn tự do – như chim tung cánh, cả bầu trời thuộc về bạn. Mà có lẽ ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn…”
Osho (1931-1990) được coi là một nhân vật “ngoại hạng” bởi ông không thuộc bất kỳ trường phái tư tưởng nào. Những bài giảng của ông, với số lượng lên đến hàng ngàn, đã chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống – từ việc tìm kiếm ý nghĩa tồn tại của cá nhân cho đến các vấn đề cấp bách của xã hội đương thời, thậm chí cả những chủ đề liên quan đến chính trị. Osho từng chia sẻ: “Hãy nhớ, bất cứ điều gì tôi đang chia sẻ không chỉ dành cho bạn… mà tôi cũng đang trò chuyện với cả những thế hệ tương lai nữa”.
Tầm ảnh hưởng của ông được công nhận rộng rãi trên thế giới. Tờ Sunday Times của London xếp Osho vào danh sách “1.000 Người kiến tạo của thế kỷ XX”. Trong khi đó, tờ Sunday Mid-Day của Ấn Độ vinh danh ông là một trong mười nhân vật – bên cạnh những tên tuổi vĩ đại như Gandhi, Nehru và Đức Phật – đã thay đổi vận mệnh của Ấn Độ.
>> 'Thiền là gì?': Khám phá thiền trong tư tưởng Krishnamurti
Hai tiến sĩ giành nhau bản quyền 1 cuốn sách, trường đại học lên tiếng
Phiên livestream của ông Hoàng Nam Tiến hút gần 1 triệu lượt xem, bán tới 2.000 cuốn sách