Chuyện ly hôn và xảy ra tranh chấp tài sản, chiến tranh pháp lý là chuyện không phải hiếm gặp với các doanh nhân Việt Nam.
Drama cá mập và búp bê
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao trước drama "Bình Búp Bê" của doanh nhân Đào Lan Hương, Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) và nữ diễn viên Phương Oanh.
Sau khi hình ảnh hai người hẹn hò rò rỉ trên mạng xã hội vào tháng 8, diễn viên Phương Oanh đã lên trang cá nhân xác nhận cô và Shark Bình đang hẹn hò. Tuy nhiên sau đó, vợ của Shark Bình khẳng định họ chưa ly hôn.
Ngày 29/9 vừa qya, toà án đã triệu tập Shark Bình và vợ là bà Đào Lan Hương để thực hiện hòa giải cũng như giải quyết một số vấn đề liên quan đến ly hôn. Tuy nhiên chiều cùng ngày, phía Shark Bình cho biết cả hai hòa giải không thành công do chưa thỏa thuận được vấn đề phân chia tài sản.
Shark Bình cũng chia sẻ, trong vụ ồn ào "Bình búp bê" này, người làm anh cảm thấy có lỗi nhất là các con và Phương Oanh.
Lùm xùm phân chia 8.400 tỷ đồng của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên
Vụ lùm xùm bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không thể tìm được tiếng nói chung trong việc điều hành doanh nghiệp.
Hai vợ chồng doanh nhân này sau đó liên tục kéo nhau ra tòa trong 4 năm qua để giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu tại các công ty thuộc Trung Nguyên và thương hiệu liên quan.
Vụ án trở nên ồn ào bởi tranh chấp tỷ lệ sở hữu tại Trung Nguyên của cả hai sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới số phận của tập đoàn này, cùng với đó là khối tài sản ước tính lên tới 8.400 tỷ đồng.
Trong đó, riêng khối tài sản được ông Vũ liệt kê ra có bao gồm 13 bất động sản chung có giá trị 725 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng.
Ngoài ra là vàng, tiền mặt và ngoại tệ gửi tại ngân hàng, đều mang tên bà Thảo. Số còn lại là cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên và các doanh nghiệp thành viên.
Tranh chấp của ông bà chủ Đức Phát Barkery
Đức Phát vốn là thương hiệu có tiếng và lâu đời tại Sài Gòn được thành lập bởi ông Kao Siêu Lực. Năm 1984 ông Lực thành lập thương hiệu bánh Đức Phát và được mệnh danh là "vua bánh" khi sáng chế ra hơn 400 loại bánh.
Năm 2007, vụ ly hôn của ông bà chủ Đức Phát thu hút sự chú ý của dư luận. Theo nhiều nguồn tin, ông Lực là người chỉ biết tập trung làm việc, mày mò nghiên cứu, chế tạo, xây dựng cửa hàng nhưng không quản lý việc chi tiêu mà giao cho vợ. Những rạn nứt tình cảm khiến bà siết chặt chi tiêu và kiểm soát toàn bộ 20 cửa hàng thương hiệu Đức Phát.
Ông Lực chỉ còn chỗ dựa cuối cùng là xưởng sản xuất. Ngày ra tòa ký đơn ly hôn, ông Lực chỉ có trong tay 400 USD và thương hiệu Đức Phát thuộc về vợ bởi đây là tên của bà.
Sau khi đồng ý chia đôi mỗi người 10 cửa hàng nhưng thương hiệu Đức Phát thì chỉ có 1 nên cuối cùng 2 bên thỏa thuận chỉ 1 người giữ thương hiệu và phía nhận phải trả cho phía mất 1 triệu USD. Bà chủ Đức Phát đồng ý trả 1 triệu USD và giữ lại thương hiệu. Với số tiền này, ông quyết định mở hiệu bánh mới với tên ABC Bakery với số vốn 30 tỷ đồng.
Hiện ABC Bakery là đối tác cung cấp bánh mì, bánh ngọt, hamburger cho những ông lớn fastfood KFC, Lotteria , Burger King hay McDonald’s.
Vụ tranh chấp khối tài sản 10.000 tỷ đồng của Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn
Vụ ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy- Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn năm 2011 được dư luận quan tâm bởi đây được coi là vụ ly hôn có khối tài sản tranh chấp lớn nhất từ trước đến nay với giá trị tài sản phân chia lên tới 500 triệu USD.
Theo đó ngoài cổ phần tăng thêm trong CTCP Tập đoàn Bảo Sơn và nhiều tài sản khác thì toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh- Hoài Đức rộng 34ha do bà Nguyễn Thanh Thủy- Tổng Giám đốc Công ty TNHH giải trí Thiên đường Bảo Sơn đứng tên làm chủ đầu tư.
Vụ ly hôn kéo dài nhiều năm khi cả hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Diễn biến bất ngờ xảy ra khi ông Bùi Đức Minh đã bị công an Hà Nội bắt về hành vi vu khống, bôi nhọ một số lãnh đạo Hà Nội vào năm 2012 và bị tuyên 15 tháng án tù.
Vụ ly hôn đắt nhất thị trường chứng khoán
Dù không có tranh chấp tài sản lớn nhất nhưng cuộc ly hôn của vợ chồng ông Lê Quang Tiến vào năm 2006 (khi đó là Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT) lại là cuộc ly hôn đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt.
Cụ thể, năm 2006, tại thời điểm ly hôn, ông Tiến đang sở hữu hơn 3,7 triệu cổ phiếu tại Công ty FPT. Nếu tính theo giá thị trường khi đó, lượng cổ phiếu ông nắm giữ có giá trị lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau quyết định ly hôn của TAND quận Ba Đình, ông đã phải chuyển 50% số cổ phần cho vợ cũ. Với trên 1,8 triệu cổ phiếu nhận được, vợ cũ ông Tiến lập tức gia nhập nhóm đại gia nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán khi đó.
Ông chủ Tập đoàn Quốc tế Năm sao và cuộc ly hôn 2.000 tỷ
Cuộc ly hôn giữa vị doanh nhân Trần Văn Mười và vợ - bà Phạm Thị Hương Giang vào năm 2012 cũng là cuộc ly hôn với khối tài sản mang ra tranh chấp trên nghìn tỷ đồng.
Theo đó, ông Mười là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Quốc tế Năm sao trong khi vợ ông cũng là Phó giám đốc CTCP giám định Đại Tây Dương.
Khối tài sản chung của cả 2 bị mang ra tranh chấp khi đó được định giá lên tới 2.000 tỷ đồng trong đó bao gồm nhiều tài sản lớn như 10 biệt thự ở TP.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng… Cùng với đó là vốn đầu tư trong nhiều công ty khác nhau như Tập đoàn Quốc tế Năm sao, CTCP quốc tế Hòn Đảo Việt, CTCP đầu tư đô thị Sam My…
Trong khi phía bà Giang yêu cầu phải nhận được 50% số tài sản chung này thì phía ông Mười cho biết hầu hết tài sản trên đều là đi vay mượn, mua bán kiếm lời. Do giá nhà xuống nên cả hai đang có chung khoản nợ 109 tỷ đồng và 6.804 lượng vàng.
Ông này đề nghị tài sản sẽ ưu tiên để trả nợ, phần còn lại sẽ phân chia. Tuy nhiên bà Giang cho rằng mình không biết và không có trách nhiệm phải trả. Vụ tranh chấp này sau đó cũng không rõ hồi kết.
Ly hôn chồng, muốn chuyển sổ đỏ sang tên riêng mình có được không?
Tâm lý hỗn loạn, dự báo giá vàng trong 10 ngày tới khó lường