Từ lùm xùm Phở Thìn, nhìn lại những lần "cuộc chia ly" của các thương hiệu Việt

26-02-2023 19:04|Như Quỳnh

Không chỉ riêng Phở Thìn mà từ nhiều năm qua, trong giới kinh doanh cũng đã diễn ra rầm rộ các cuộc chia tay khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Những vụ chia đôi của các thương hiệu dù đến từ gia đình hay hợp tác kinh doanh đều diễn ra vào thời điểm doanh nghiệp làm ăn rất thịnh vượng và có chỗ đứng trong thương trường. Khi khách hàng đã quá quen với thương hiệu thì việc bỗng dưng họ "tách đôi" không khiến dư luận khỏi tò mò và đồn đoán.

Điểm chung giữa những trường hợp này đa phần là có sự tranh chấp tài sản, sở hữu thương hiệu. Khi kết thúc thì không tránh khỏi việc một bên "thắng lợi" và một bên phải làm lại từ đầu. Đa phần là tự xây dựng lại thương hiệu khác và trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau.

Lùm xùm Phở Thìn và các "truyền nhân"

Phở Thìn 13 Lò Đúc có lẽ là thương hiệu phở vướng vào nhiều khúc mắc nhất từ trước đến nay. Từ vài năm trước, nhiều người tiêu dùng đã hiểu lầm về nguồn gốc lẫn mối liên hệ giữa hai quán phở gần như nổi tiếng tại Hà Nội là Phở Thìn Bờ Hồ và Phở Thìn 13 Lò Đúc.

Trên thực tế, đây là hai quán phở được mở bởi hai nhà sáng lập khác nhau có cùng tên Thìn là ông Bùi Chí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ, thành lập năm 1954) và ông Nguyễn Trọng Thìn (Phở Thìn 13 Lò Đúc, thành lập năm 1979). Trong khi thương hiệu nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng đã được con trai ông Thìn là Bùi Chí Đạt đăng ký nhãn hiệu thì thương hiệu phở ở Lò Đúc vẫn đang chờ được cấp phép bảo hộ.

Vào đầu năm 2022, Phở Thìn Lò Đúc tiếp tục gây sốc khi tăng giá đến 90.000 đồng/bát với lý do phải nhập nguyên liệu đắt đỏ.

Cuộc tranh luận tưởng chừng đã kết thúc thì mới đây, thương hiệu phở 44 năm tuổi lại khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về tính chính danh của các cửa hàng nhượng quyền cùng tên.

Sự việc bắt đầu từ một bài viết về ông Đoàn Hải Trung - CEO kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội. Theo lời giới thiệu trên truyền thông, ông Trung sinh năm 2001 và không cùng huyết thống với ông Thìn. Tuy nhiên, vị này có cơ hội theo học nghề ông Thìn từ năm 12 tuổi và “tự tin là mình hiểu về phở chỉ sau ông”.

pho-thin.png
Ông Đoàn Hải Trung.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Trung hiện nắm giữ 49% cổ phần Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội và 51% còn lại thuộc về ông Thìn. Ông Trung cũng là người thành lập CTCP Tập đoàn VieThin và góp vốn 50% trong Công ty hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội (50% còn lại của ông Thìn).

Trong giai đoạn được cho là hợp tác với ông Trung, Phở Thìn 13 Lò Đúc liên tiếp mở cửa hàng mới tại một số tỉnh thành trên cả nước, đồng thời lấn sân sang cả thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay sau khi bài viết được lan truyền, một tài khoản mạng xã hội được cho là của ông Nguyễn Trọng Thìn lên tiếng phản bác nội dung này, cho rằng đây là “một câu chuyện như thật và một vở kịch rất hay để đi lừa người khác”. Tài khoản này cũng nhấn mạnh “thử xem có nấu được nồi phở chuẩn không mà hiểu phở sau tôi”.

Ông Nguyễn Trọng Thìn cho biết ông đã ủy quyền luật sư tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi kiện ông Trung lên tòa án TP Hà Nội về việc đăng ký thành lập công ty cùng ông Thìn trong khi chưa có sự đồng thuận từ ông.

Hiện nay lùm xùm này vẫn chưa đi đến hồi kết và đang thu hút được sự chú ý của dư luận.

Cuộc ly hôn của ông bà chủ và "tách đôi" thương hiệu Đức Phát Bakery

Giữa giai đoạn phát triển thịnh vượng trong làng kinh doanh bánh ở TP.HCM, bỗng dưng đôi vợ chồng gây dựng nên thương hiệu Đức Phát Bakery thông báo "đường ai nấy đi". Sự việc diễn ra vào năm 2007, cả hai nhận được nhiều sự xôn xao, bàn tán khi phải ra tòa phân chia vấn đề thương hiệu.

Ông Kao Siêu Lực ở thời điểm kết thúc ly hôn được trả 1 triệu USD và mang theo 10 cửa hàng nhưng không còn được sử dụng thương hiệu Đức Phát nữa. Nhưng những khó khăn này dường như không thể làm chùn bước trước niềm đam mê làm bánh của ông. "Vua bánh mì" khởi nghiệp lại từ đầu bằng cái tâm với nghề và sự hỗ trợ của các con, thương hiệu ABC Bakery ra đời.

ong-chu-abc-bakery.jpg
Ông Kao Siêu Lực.

Với những tư duy hiện đại của các con ông khi trở về từ nước ngoài, ông Kao Siêu Lực chỉ cần tập trung cho chất lượng sản phẩm, hai người con gái lo việc vận hành sản xuất, quản lý, đối ngoại. ABC Bakery ngày càng có những bước phát triển hiện đại và mới mẻ với cái tên ông chủ Kao Siêu Lực đầy đảm bảo về uy tín và chất lượng.

Hiện tại, trên website của ABC Bakery đã cập nhật có 30 cửa hàng tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Nha Trang và Cần Thơ, một cửa hàng tại Campuchia. Ngoài ra, ông Kao Siêu Lực từng tiết lộ các mặt bằng cửa hàng đều thuộc quyền sở hữu của công ty chứ không phải đi thuê.

Thu Hương Bakery và sự ra đi của người sáng lập

Trong khi đó ở phía Bắc, một “bakery” nổi tiếng khác là Thu Hương phải chấp nhận số phận bán mình cho đối tác sau khi đôi bên không tìm được tiếng nói chung.

nguoi-sang-lap-thu-huong-bakery(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Hương.

Năm 2016, người sáng lập thương hiệu Thu Hương Bakery Nguyễn Thị Thu Hương bất ngờ lên báo tuyên bố mình không còn là chủ của chuỗi cửa hàng bánh ngọt này nữa sau khi phải bán lại toàn bộ cổ phần cho đối tác.

Khởi đầu từ người thợ bánh của khách sạn Sofitel Metrople, bà Thu Hương vừa đi làm, vừa tranh thủ làm thêm tại nhà. Sau khi tài làm bánh ngọt của mình được nhiều người biết tới, bà Hương nghỉ hẳn làm để khởi nghiệp, mở cửa hàng Thu Hương Bakery đầu tiên tại phố Phan Đình Phùng và sau đó là một chuỗi các cửa hàng khác.

Năm 2010, bà đồng ý hợp tác làm ăn với đối tác. Tại đây, bà giữ vai trò giám đốc kỹ thuật, đối tác sẽ đảm nhận vai trò quản lý và điều hành kinh doanh. Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới, bà Hương cho biết đến năm 2012, cả hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Sau khi từ Pháp trở về, bà Hương tiếp tục gắn bó với câu chuyện làm bánh ngọt, bằng cách mở cửa hàng Madame Huong tại 39 lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngày nay, cả hai thương hiệu Thu Hương Bakery và Madame Huong đều xuất hiện cùng nhau trên các con phố lớn vào mỗi dịp Trung Thu.

Cuộc tranh đấu của bánh mì Huynh Hoa

lum-xum-banh-mi-huynh-hoa.jpg

Đang "ăn nên làm ra" với hai cửa tiệm bánh mì có tiếng ở Sài Gòn, bỗng dưng vào cuối năm 2021, xuất hiện cửa hàng mới toanh với những khẳng định "chia tay" của bánh mì Huynh Hoa. Hai người phụ nữ cùng nhau làm nên thương hiệu bánh mì "Ô Môi" bỗng dưng rộ lên thông tin chia tay khiến ai nấy cũng ngỡ ngàng.

Bánh mì Huynh Hoa có từ năm 1989 do hai người chị em thân thiết cùng nhau buôn bán là Huynh và Hoa. Từ lúc còn ở lề đường cho đến tiệm lớn, được đông đảo thực khách Sài Gòn ủng hộ. Chuyện làm nên hàng loạt drama là vì fanpage của tiệm bánh mì bà Huynh cho rằng hai chị em đã chia tay: "Bánh mì ÔMôi đã không còn hương vị như trước, bởi vì 2 người đã chia tay. Bà Hoa đã lấy tất cả cửa hàng và thương hiệu Huynh Hoa. Còn Huynh sẽ làm lại thương hiệu bánh mì Bà Huynh".

Nhưng thực tế, không hề có sự xuất hiện cả bà Huynh nào ở tiệm bánh mì mới này cả. Chính chủ của cửa tiệm này là vợ chồng anh Đạt và chị Thư, họ tiết lộ chính là người trước giờ cung cấp nguyên liệu thịt, chả, pate cho thương hiệu bánh mì Huynh Hoa. Ngoài ra, hai vợ chồng này còn khẳng định thêm sẽ đăng ký sở hữu thương hiệu bánh mì Huynh Hoa.

Chuyện của Phở Thìn 13 Lò Đúc: Khi "truyền nhân onlines" lên tiếng

Vietjet bắt tay Masan Consumer đưa hương vị 'Phở Thìn Bờ Hồ' vươn ra thế giới

Phố đi bộ tan tác, hàng phở Thìn Bờ Hồ bị cây đổ sập tường sau bão Yagi

Bài thuộc chủ đề Du lịch, Khách sạn
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-lum-xum-pho-thin-nhin-lai-nhung-lan-cuoc-chia-ly-cua-cac-thuong-hieu-viet-171024.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ lùm xùm Phở Thìn, nhìn lại những lần "cuộc chia ly" của các thương hiệu Việt
    POWERED BY ONECMS & INTECH