Bất động sản

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có thêm 8 sân bay

Hải Đăng 19/10/2024 06:02

Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không.

Ngày 7/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính ở Hà Nội và TP. HCM.

Ngoài ra, ở giai đoạn này, cả nước sẽ có thêm 6 sân bay dân dụng mới gồm sân bay: Long Thành, Lai Châu, Sapa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết.

Hai sân bay quân sự là sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn cũng được quy hoạch thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng.

Sân bay Long Thành

Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997. Hơn 20 năm sau, vào ngày 5/1/2021, dự án mới chính thức khởi công giai đoạn 1.

Dự án này được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư khái toán hơn 16 tỷ USD, chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có mức đầu tư hơn 5,4 tỷ USD. Sau khi được xây dựng đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam.

Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có 30 sân bay
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: VGP

Trong giai đoạn đầu, sân bay Long Thành sẽ có công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, với một đường cất hạ cánh tại khu vực phía Bắc.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Quốc hội và các Bộ, ngành vào ngày 8/8, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV), cho biết dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành và chạy thử trước ngày 31/8/2026, để đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 2/9/2026.

>> Sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Chạy đua thời gian để tìm 'lời giải' cho 'bài toán' nhân sự Hải quan

Tuy nhiên, vào đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã đề xuất xây dựng thêm một đường cất hạ cánh ngay trong giai đoạn 1 và lùi thời gian hoàn thành dự án xuống cuối năm 2026.

Theo lý giải của Bộ GTVT lý giải, dự kiến tiến độ đầu tư đường băng thứ hai là khoảng 24 tháng sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Nếu Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án gặp một số khó khăn, dẫn đến chưa đáp ứng được tiến độ.

Sân bay Quảng Trị

Ngày 6/7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T - CIENCO 4 đã khởi công Dự án Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có 30 sân bay
Phối cảnh sân bay Quảng Trị. Ảnh: VGP

Trước đó, vào ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP), trở thành sân bay thứ hai ở Việt Nam được đầu tư theo hình thức này, sau sân bay Vân Đồn.

Sân bay Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, với diện tích hơn 265ha. Dự án đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, đáp ứng nhu cầu khai thác 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Dự kiến, thời gian hoàn thành là 50 năm, bao gồm 24 tháng chuẩn bị và xây dựng, và 47 năm 2 tháng vận hành, thu phí. Dự án dự kiến sẽ đi vào khai thác vào tháng 7/2026.

Sân bay Phan Thiết

Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, được Bộ GTVT quy hoạch vào năm 2013 với diện tích 543ha, tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và đã được khởi công từ tháng 1/2015.

Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có 30 sân bay
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh: VGP

Vào đầu tháng 8 năm nay, hạng mục sân bay quân sự đã được Quân chủng Phòng không Không quân đưa vào khai thác. Đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hợp đồng BOT, Công ty CP Rạng Đông – chủ đầu tư ban đầu – cũng đã tổ chức thi công một số hạng mục.

Dự án đã được thống nhất chủ trương nâng cấp từ cảng hàng không cấp 4C lên cấp 4E với đường băng dài 3.050m, cùng nhà ga hành khách có công suất 2 triệu hành khách/năm, nhằm khai thác các đường bay quốc tế và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Hiện dự án đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư do quy mô đầu tư và tổng mức đầu tư đã thay đổi so với quy hoạch ban đầu.

Sân bay Sa Pa

Ngày 21/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định đầu tư dự án Cảng hàng không Sa Pa theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, với diện tích 371ha và tổng vốn đầu tư khoảng 6.948 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có 30 sân bay
Phối cảnh sân bay Sapa. Ảnh: Đài PTTH Lào Cai

Dự án giai đoạn 1 dự kiến sẽ đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm.

Dự án đã động thổ ngày 3/3/2022 và cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 với diện tích 295,2ha. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng do hai lần mời thầu nhưng không nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư.

Sân bay Nà Sản

Sân bay Nà Sản được xây dựng từ năm 1950 tại tỉnh Sơn La và đã ngừng hoạt động vào năm 2004 do đường cất hạ cánh xuống cấp.

Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có 30 sân bay
Sân bay Nà Sản. Ảnh: Báo Đầu Tư

Theo quy hoạch, sân bay sẽ được xây dựng lại với tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, có công suất 1 triệu hành khách/năm, và định hướng đến năm 2050 là 2 triệu hành khách/năm.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.046 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2030 cần 2.586 tỷ đồng. UBND tỉnh Sơn La đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức PPP và giao tỉnh chủ trì thực hiện.

Ngày 12/7, Bộ GTVT đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Sân bay Lai Châu

Ngày 12/3, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu trong giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, sân bay Lai Châu sẽ là cảng hàng không quốc nội với quy mô cấp 3C, công suất thiết kế đạt 500.000 hành khách/năm. Định hướng đến năm 2050, công suất sẽ tăng lên 1,5 triệu hành khách/năm.

Dự án có diện tích sử dụng đất là 117,09 ha và vị trí xây dựng được quy hoạch tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 8/2022, tỉnh Lai Châu đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sân bay Lai Châu theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và giao UBND tỉnh chủ trì thực hiện.

Ngày 18/10/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, giao tỉnh Lai Châu chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn để đầu tư vào dự án Cảng hàng không Lai Châu.

Sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn

Sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn là hai sân bay quân sự tại các tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận. Theo quy hoạch, cả hai sân bay này sẽ được phát triển thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng.

Sân bay Thành Sơn hiện là cảng hàng không cấp 4C, với hai đường cất hạ cánh rộng lần lượt 31 m và 23 m, dài hơn 3 km. Dự kiến, sân bay này sẽ có công suất phục vụ 1,5 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Vào cuối tháng 9/2023, Bộ GTVT đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Thời hạn lập quy hoạch dự kiến sẽ được hoàn thành trong hai năm 2023 - 2024.

Sân bay Biên Hòa hiện do Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, với hai đường băng dài 3,6 km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay và đài chỉ huy. Khi được đưa vào khai thác lưỡng dụng, sân bay Biên Hòa dự kiến sẽ có công suất phục vụ 5 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Ngày 30/9, Bộ GTVT đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Biên Hòa thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam ra văn bản hỏa tốc, thúc thẩm định và phê duyệt Dự án thành phần sân bay Gia Bình

Lộ diện liên danh trúng gói thầu 2.880 tỷ thuộc dự án thành phần sân bay lớn nhất Việt Nam

Sân bay tại tỉnh cuối cùng của bản đồ Việt Nam có chuyển động mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/den-nam-2030-viet-nam-du-kien-se-co-30-san-bay-254500.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có thêm 8 sân bay
    POWERED BY ONECMS & INTECH