Sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Chạy đua thời gian để tìm 'lời giải' cho 'bài toán' nhân sự Hải quan
Ngành Hải quan hiện đang chạy đua với thời gian để có thể hoàn tất việc chuẩn bị nguồn lực nhằm đảm bảo sự thông suốt cho sân bay quốc tế Long Thành.
Cần 400 người cho đội ngũ CBCC trong giai đoạn 1
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 16 tỷ USD được thiết kế để trở thành một trung tâm hàng không lớn, với công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách và vận chuyển 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam.
Trong giai đoạn 1 của dự án, dự kiến sân bay sẽ phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2026. Tuy nhiên, dự án hiện đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể đưa vào khai thác từ đầu năm 2026.
Để kịp thời triển khai hoạt động hải quan tại sân bay, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cũng đang đối mặt với áp lực lớn về thời gian.
Phối cảnh trụ sở Hải quan tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Công ty CP Tư vấn Xây dựng Tổng hợp (Nagecco) – Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật xây dựng thiết kế. Ảnh: Báo Hải Quan |
Theo công văn số 368/TCHQ-GSQL ngày 5/10/2023 của Tổng cục Hải quan, dự kiến mô hình tổ chức hải quan tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến 2050) sẽ gồm 2 chi cục: Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Long Thành và Chi cục Hải quan quản lý hàng hóa chuyển phát nhanh, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai.
Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan) cho biết, từ tháng 6/2022, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với Cục Hải quan Đồng Nai lên kế hoạch chi tiết về biên chế cho từng vị trí việc làm của 2 chi cục này.
Theo phê duyệt của Tổng cục Hải quan, số lượng biên chế tại 2 chi cục sẽ là 730 người, trong đó Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Long Thành có 462 biên chế và Chi cục Hải quan quản lý hàng hóa chuyển phát nhanh có 268 biên chế. Ở giai đoạn 1, nhu cầu biên chế dự kiến sẽ là 400 người.
Ngày 13/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định điều chỉnh biên chế công chức giai đoạn 2024–2026 cho các đơn vị trực thuộc Bộ.
Trong đó, vào năm 2025, Tổng cục Hải quan sẽ được tăng thêm 125 biên chế, và số biên chế này dự kiến sẽ được bổ sung cho Cục Hải quan Đồng Nai để phục vụ kế hoạch tuyển dụng.
Tại buổi làm việc với Cục Hải quan Đồng Nai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng cho biết, theo thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các chuyến bay quốc tế có cự ly trên 1.000km sẽ được điều chuyển về đây.
Theo đó, các đơn vị cần theo dõi sát sao kế hoạch điều chuyển chuyến bay của ACV để bố trí nguồn nhân lực phù hợp.
Ngoài 125 biên chế dự kiến tuyển dụng, Phó Tổng cục trưởng Đinh Ngọc Thắng yêu cầu Cục Hải quan Đồng Nai thực hiện tinh gọn bộ máy để bổ sung thêm nhân sự cho sân bay Long Thành.
Tổng cục Hải quan cũng sẽ lên kế hoạch điều chuyển nhân sự từ các sân bay quốc tế như TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội.
Tập trung tuyển dụng và đào tạo
Với vai trò là đơn vị quản lý 2 chi cục hải quan tại sân bay Long Thành, ông Lê Văn Thung - Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, bày tỏ nhiều trăn trở về vấn đề nhân sự.
Theo ông Thung, hiện nay địa bàn huyện Long Thành còn hạn chế về điều kiện học tập, sinh hoạt và giải trí, khiến việc an cư lạc nghiệp cho cán bộ công chức (CBCC) trong giai đoạn đầu khi sân bay Long Thành đi vào vận hành trở thành một bài toán khó khăn.
Cục trưởng Lê Văn Thung mong muốn ngành Hải quan có thể tuyển dụng được nguồn nhân sự tại chỗ hoặc từ các tỉnh lân cận như TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu để các CBCC yên tâm công tác, tránh tình trạng xin chuyển công tác sau một thời gian ngắn làm việc.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Đinh Ngọc Thắng, với nhu cầu lên tới 400 nhân sự, nếu chỉ khoanh vùng tuyển dụng tại địa phương thì rất khó đáp ứng.
Trong thời gian đầu, cần tập trung vào công tác tư tưởng để CBCC yên tâm làm việc, vì khối lượng công việc tại sân bay Long Thành sẽ rất lớn. Đặc biệt, khi triển khai hoạt động thương mại điện tử qua biên giới, lượng hàng hóa làm thủ tục sẽ tăng rất nhanh.
Bên cạnh đó, việc đào tạo cho đội ngũ CBCC cũng là một vấn đề được lãnh đạo Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm.
Tổng cục sẽ tổ chức đào tạo cho các thí sinh trúng tuyển tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có sân bay quốc tế lớn như Hà Nội và TPHCM. Sau thời gian đào tạo, các CBCC sẽ trở về Cục Hải quan Đồng Nai để triển khai công việc tại sân bay Long Thành.
Về phía Cục Hải quan Đồng Nai, để cán bộ công chức nắm bắt kịp thời tình hình và tiến độ của dự án, ngày 12/6/2024, Cục đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) tổ chức buổi giới thiệu tổng quan về dự án đến toàn bộ cán bộ công chức trong đơn vị.
Cục cũng đã lập kế hoạch và tổ chức khảo sát thực tế tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 19/9/2024 để học hỏi kinh nghiệm và nắm bắt quy trình nghiệp vụ. Hiện, Cục Hải quan Đồng Nai đang phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng đề án thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Long Thành và Chi cục Hải quan quản lý hàng hóa chuyển phát nhanh, để trình Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính phê duyệt.
>> Cảng biển gần 50.000 tỷ lớn nhất miền Trung được đề xuất bổ sung khu kho khí hóa lỏng
Căn nhà 3 mặt tiền nằm tại ‘siêu thành phố mới’ của tỉnh Quảng Ninh được rao bán 255 triệu đồng/m2
Ngành Xây dựng Thủ đô: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý