Tuổi 36 của một đại gia ngành thép, liên tục bán tài sản để cứu nguy dòng tiền
CTCP Đầu tư Thương mại SMC là một gương mặt đáng chú ý của ngành thép. Tuy nhiên, những gì hiện hữu trong ba năm qua với SMC chỉ là câu chuyện "Tiệc tan khách sộp ra về, một doanh nghiệp thép bộn bề khó khăn".
Chỉ trong 2,5 tháng, từ mức giá trên 20.000 đồng, cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC đã giảm tới 60%, kết phiên cuối tháng 9/2024 còn dưới 8.000 đồng/cp. Diễn biến giảm giá nằm trong xu hướng chung của nhóm cổ phiếu ngành thép, tuy nhiên mức độ điều chỉnh của SMC mạnh hơn rất nhiều.
Diễn biến cổ phiếu SMC |
Trong khi nhịp điều chỉnh của HPG, HSG đến từ đà bán ròng của khối ngoại, diễn biến ở cổ phiếu Thương mại SMC chủ yếu đến từ những lo ngại về tình hình kinh doanh.
Từ vị thế của một doanh nghiệp thép nhóm đầu, SMC liên tục bị dồn vào thế khó. Kinh doanh thua lỗ gần 1.600 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, tình hình tài chính khó khăn (khoản công nợ lớn từ Xây dựng Hòa Bình và các công ty thuộc hệ sinh thái Novaland bỏ ngỏ), nợ phải trả gấp 5 lần vốn chủ sở hữu... khiến công ty phải liên tục "bán mình" để cơ cấu dòng tiền.
Quý I/2024, trong nỗ lực tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, Thương mại SMC đã bán thành công toàn bộ hơn 13 triệu cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim. Khoản thu bất thường này giúp công ty chuyển lãi 179 tỷ đồng sau ba quý lỗ nặng trước đó.
Ngay đầu quý II, HĐQT công ty đã ra Nghị quyết về việc chuyển nhượng tòa nhà nơi đặt trụ sở công ty tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP. HCM (diện tích 329,5 m2). Mức giá chuyển nhượng là 170 tỷ đồng đã bao gồm tài sản gắn liền với đất là tòa nhà văn phòng.
Đến cuối quý III, doanh nghiệp thép có tuổi đời 36 năm này tiếp tục lên phương án chuyển nhượng khu đất gần 2,8 ha (thuộc công ty con SMC Đà Nẵng tại Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) với giá hơn 96 tỷ đồng.
Chỉ trong chưa đầy 12 tháng, Thương mại SMC đã có tới 4 lần bán tài sản giúp cải thiện phần nào dòng tiền đầu tư (CFI).
Nói thêm về cái bắt tay với hai ông lớn ngành bất động sản và xây dựng là Novaland và Xây dựng Hòa Bình, SMC vô tình trở thành "nạn nhân" trong vòng xoáy tài chính.
Kết quả kinh doanh của Thương mại SMC 4 năm gần nhất |
Tính đến cuối tháng 6/2024, doanh nghiệp tạm ghi nhận lỗ hơn 22% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC sau khi hoán đổi từ khoản nợ trị giá 104,7 tỷ đồng. Tương tự, nhóm Delta Valley Bình Thuận, Đà Lạt Valley và The Forest City (thuộc Novaland) cũng đang xếp đầu trong danh sách nợ xấu của Thương mại SMC, với hơn 700 tỷ đồng. Phía công ty đã trích lập dự phòng hơn 570 tỷ.
Điều đáng nói, những khoản tiền trên tiềm ẩn nguy cơ mất trắng trong bối cảnh cả Hòa Bình và Novaland đều đang gặp nhiều biến cố kinh doanh và tài chính. Trong khi doanh nghiệp của Chủ tịch Lê Viết Hải ghi nhận khoản lỗ lũy kế âm 3.240 tỷ đồng thì phía Novaland cũng vừa báo lỗ bán niên 2024 hơn 7.300 tỷ.
Nói về khoản nợ xấu của Novaland, tại ĐHCĐ thường niên 2024, trả lời câu hỏi liên quan việc trích lập và giải quyết công nợ khó đòi, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Ý Nhi nhấn mạnh, nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng tổng cộng gần 300 tỷ trong cả năm 2024.
"Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác", bà Ý Nhi thông tin.
>> ‘Đại gia’ buôn thép lao đao trong vòng xoáy công nợ với Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC)