"Tụt hậu" ông lớn ngành bia Habeco (BHN)

16-05-2022 12:02|Minh Chiến

Kết quý I/2022, doanh thu của Habeco (BHN) chưa bằng 1/5 còn lợi nhuận chỉ bằng 3% so với đối thủ Sabeco (SAB) - tương ứng giảm 1,5% và 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Mirae Asset Research, việc tỷ lệ bao phủ vắc xin tại Việt Nam đạt trên 70% và Chính phủ Việt Nam tiến hành mở cửa trở lại nền kinh tế đã giúp cho mức tiêu thụ bia được phục hồi. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của ngành giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao trong đó có mạch nha, hương liệu, đường, nhôm và nhựa dưới sự ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine.

Hiện nay, đồ uống có cồn tại Việt Nam đang phải chịu 3 loại thuế bao gồm thuế nhập khẩu (5 - 80%), thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (50 – 60%). Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bia ngày càng gay gắt hơn khiến ngành bia vẫn gặp nhiều khó khăn.

Với ông lớn thứ 2 của ngành sản xuất bia Việt Nam trong nhóm niêm yết là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội - Habeco (HOSE: BHN) lại ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi.

Tiền thân của Habeco ngày nay là nhà máy bia được xây dựng từ năm 1890. Nhiều năm hình thành và phát triển, Habeco luôn giữ vững chỗ đứng trên thị trường đặc biệt tại khu vực miền Bắc.

Cho đến năm 2020, chịu tác động kép của Nghị định 100 và từ tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng như áp lực từ sự cạnh tranh tranh gay gắt đến từ phía các thương hiệu đối thủ Habeco bắt đầu ghi nhận tình hình kinh doanh liên tiếp đi xuống.

Trong quý I/2022, mặc dù triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ song sản lượng sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp vẫn chỉ đạt 90% so với cùng kỳ.

Doanh thu của Habeco chưa bằng 1/5 còn lợi nhuận chỉ bằng 3% so với đối thủ Sabeco (SAB) - tương ứng giảm 1,5% và 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Habeco đạt doanh thu thuần 1.355 tỷ đồng - giảm 1,45% so với quý I/2021. Giá vốn hàng bán ghi nhận ở mức 1.000 tỷ đồng - giảm 4% so với quý I/2021.

Do giá vốn hàng bán giảm nhiều hơn so với doanh thu, giúp doanh nghiệp đem về mức lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 7,5% lên mức 355 tỷ đồng.

habe.png

Tuy nhiên doanh thu tài chính ghi nhận sụt giảm hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngoại trừ chi phí tài chính giảm xuống còn 3,3 tỷ đồng nhưng các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đềi ghi nhận tăng cao.

Đáng chú ý, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới hơn 25 tỷ đồng thì năm nay chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí, Habeco báo lãi 34,5 tỷ đồng - giảm 27,5% so với cùng kỳ. Phía Habeco lý giải sở dĩ lợi nhuận đi xuống như vậy là do áp lực giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn hệ thống.

Lý giải cho sự sụt giảm lợi nhuận, doanh nghiệp cho biết do áp lực giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu cùng như tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của của toàn hệ thống Habeco.

Biên lợi nhuận gộp kỳ này của Habeco đã được cải thiện từ 24% lên 26% tuy nhiên vẫn thấp hơn so với Sabeco. Trong kỳ, các chi phí phát sinh tăng nhưng không đáng kể, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn cao hơn kỳ trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm của lợi nhuận khác từ 25 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng đã khiến lãi trước thuế giảm 27,5% xuống còn 35 tỷ đồng.

Năm nay, Habeco mục tiêu doanh thu đạt 6.605 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 221 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và giảm gần 32% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Như vậy sau quý đầu năm 2022, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 20,5% mục tiêu doanh thu và 15,6% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

hbn.png
Kết quả kinh doanh của Habeco 4 quý gần nhất

Trước đó, Habeco cho biết, bên cạnh những khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành bia, Habeco còn chịu nhiều sức ép từ các đối thủ cạnh tranh như Sabeco và Heineken khi hai doanh nghiệp này đang chú trọng vào các chương trình thúc đẩy bán hàng đối với các sản phẩm phổ thông – phân khúc thị trường chính của Habeco.

Đáng chú ý, Habeco vẫn để ngỏ mức chia cổ tức cho năm 2021 do phải chờ Bộ Công Thương (cổ đông lớn nhất nắm giữ đến 81,79% vốn) xem xét phương án phân phối lợi nhuận. HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua việc lấy ý kiến về nội dung này sau khi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có ý kiến.

Hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh “đi lùi” năm 2022: Nhiều gương mặt đáng chú ý

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tut-hau-ong-lon-nganh-bia-habeco-bhn-126259.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
"Tụt hậu" ông lớn ngành bia Habeco (BHN)
POWERED BY ONECMS & INTECH