Đế chế trang sức lớn nhất thế giới chọn Việt Nam làm ‘bến đỗ’ giữa bão thuế quan
Giữa những biến động thương mại toàn cầu, Pandora – thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới – đang tìm cách giữ vững vị thế bằng chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở rộng sản xuất tại châu Á và tinh chỉnh mô hình kinh doanh toàn cầu.
Pandora – nhà sản xuất trang sức lớn nhất thế giới, nổi tiếng với những chiếc vòng charm bạc – đang tìm cách trụ vững trước làn sóng bất ổn kinh tế do các chính sách thuế quan từ chính quyền Mỹ gây ra. Dù có trụ sở chính tại Đan Mạch, Pandora hiện có gần 500 cửa hàng tại Mỹ – nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác – và khoảng một phần ba doanh thu toàn cầu đến từ quốc gia này.

Tuy nhiên, nơi được xem là “trái tim sản xuất” của Pandora lại nằm tại châu Á. Công ty bắt đầu sản xuất tại Thái Lan từ năm 1989, và đến nay đã có ba nhà máy với khoảng 15.000 thợ thủ công.
Giống như nhiều tập đoàn toàn cầu, Pandora tận dụng chuỗi cung ứng xuyên lục địa để tối ưu chi phí. Nhưng mô hình này trở thành điểm yếu khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 36% lên hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, cùng với nhiều quốc gia khác.
Ngay sau thông báo, cổ phiếu Pandora rơi vào nhóm kém nhất châu Âu. Một tuần sau, Mỹ tạm hoãn chính sách thuế đến đầu tháng 7, mang lại chút thời gian chuẩn bị, nhưng mối đe dọa vẫn chưa được gỡ bỏ.
“Tình hình hiện tại rất bất ổn. Nếu thuế quan không quay về mức cũ, năm tới sẽ vô cùng hỗn loạn", CEO Pandora – ông Alexander Lacik – nhận định. “Với những dữ liệu có trong tay lúc này, sẽ là liều lĩnh nếu đưa ra quyết định chiến lược lớn".

Cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác, ông Lacik đang chật vật đối phó với những chính sách khó đoán của chính quyền Trump – yếu tố gây ra bất ổn trên diện rộng. Dù chính phủ Mỹ đã phát tín hiệu muốn giảm thuế, các thỏa thuận ban đầu với Anh và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm mơ hồ, trong khi mức thuế hiện tại vẫn cao hơn so với vài tháng trước.
Dù một số biện pháp đã được hoãn lại, Pandora và nhiều công ty đa quốc gia vẫn phải chờ đợi những diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết này.
Pandora, nổi tiếng với các mẫu vòng tay charm bạc, đã đặt nhà máy sản xuất tại Thái Lan từ năm 1989. Tại ba cơ sở hiện có, hàng nghìn công nhân thực hiện các công đoạn thủ công để hoàn thiện sản phẩm. Công ty hiện đang xây dựng nhà máy thứ 4 tại Việt Nam, trị giá 150 triệu USD – một bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa sản xuất. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng đã đe dọa áp thuế tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Năm ngoái, Pandora bán ra 113 triệu sản phẩm – tương đương khoảng ba món đồ mỗi giây – trở thành thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới tính theo số lượng bán ra. Công ty hiện diện tại hơn 100 quốc gia, trong đó thị trường Mỹ đóng góp một phần ba doanh thu, đạt 9,7 tỷ kroner Đan Mạch (khoảng 1,4 tỷ USD). Dù đối mặt với rủi ro thuế quan, CEO Alexander Lacik khẳng định không có kế hoạch rút khỏi thị trường lợi nhuận cao nhất này.
Tuy vậy, ông thừa nhận chi phí sản xuất tăng sẽ đẩy giá bán lên, và chưa thể xác định rõ ai sẽ là người chịu gánh nặng nhiều nhất – công ty hay người tiêu dùng.
“Câu hỏi lớn là: tôi sẽ chuyển toàn bộ chi phí đó sang người tiêu dùng Mỹ, hay phân bổ đều bằng cách tăng giá trên toàn cầu?” – ông Lacik nói.
Tạm thời, Pandora vẫn có đủ hàng tồn kho để duy trì hoạt động trong vài tháng tới. Điều này giúp công ty có thời gian quan sát phản ứng của các thương hiệu trang sức khác trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh giá.
Một số biện pháp ứng phó được Pandora triển khai ngay lập tức, bao gồm việc tối ưu hóa một số khâu trong chuỗi cung ứng. Chỉ một ngày sau khi Mỹ công bố chính sách thuế "có đi có lại", công ty thông báo sẽ điều chỉnh hệ thống phân phối: sản phẩm bán tại Canada và Mỹ Latinh sẽ không còn phải đi qua trung tâm phân phối ở Baltimore (Mỹ). Quá trình chuyển đổi này dự kiến kéo dài từ sáu đến chín tháng.
Trong khi đó, khả năng chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ không được xem xét – chủ yếu vì chi phí lao động cao. Hiện Pandora đang tuyển dụng gần 15.000 thợ thủ công tại Thái Lan, và có kế hoạch mở rộng thêm 7.000 vị trí tại nhà máy mới ở Việt Nam.
Trong báo cáo thu nhập công bố tuần trước, Pandora đã ước tính tổn thất tài chính nếu các mức thuế cao được áp dụng trở lại. Cụ thể, thuế 36% đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan và 145% từ Trung Quốc có thể khiến công ty thiệt hại 500 triệu kroner Đan Mạch (tương đương 74 triệu USD) trong năm nay. Về lâu dài, con số này có thể tăng lên 900 triệu kroner (135 triệu USD) mỗi năm.

Từ vực thẳm trở lại ánh sáng
Dù vậy, CEO Alexander Lacik không cho thấy dấu hiệu lo sợ. “Chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu", ông tuyên bố. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục biến động, sự bất ổn giờ đây đã trở thành một phần “bình thường mới” mà doanh nghiệp phải học cách thích nghi.
Khi ông Alexander Lacik tiếp quản vị trí CEO vào năm 2019, Pandora đang trong thời kỳ khủng hoảng. Giá cổ phiếu đã giảm hơn 70% so với đỉnh điểm ba năm trước. Ông tiến hành cuộc “đại tu toàn diện” – tái định vị thương hiệu theo hướng “xa xỉ vừa túi tiền”, làm mới thiết kế cửa hàng và mở rộng trưng bày toàn bộ dòng sản phẩm, thay vì chỉ tập trung vào charm như trước.
Chiến lược này giúp Pandora trụ vững qua những thử thách liên tiếp: đại dịch Covid-19 khiến 15.000 nhân viên bán lẻ phải tạm nghỉ, trong khi một số công nhân phải ngủ lại nhà máy để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn; và sau đó là làn sóng lạm phát toàn cầu đe dọa sức mua của người tiêu dùng.
Kết quả khả quan đã sớm đến. Vào tháng 1 vừa qua, giá cổ phiếu của Pandora đạt mức cao kỷ lục. Dù sau đó sụt giảm hơn 20%, công ty vẫn được đánh giá là một trong những doanh nghiệp điều hướng khủng hoảng thành công trong ngành hàng xa xỉ.
Pandora cũng đã chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với biến động thương mại. Sau khi Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, công ty lập tức ngừng nhập khẩu toàn bộ nội thất và vật liệu trưng bày từ Trung Quốc cho hơn 3.000 cửa hàng của mình trên toàn cầu.
“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng,” ông Lacik nhấn mạnh. Nhờ vậy, Pandora không rơi vào thế bị động hoàn toàn – điều mà nhiều doanh nghiệp đa quốc gia khác vẫn đang vật lộn đối mặt.
Tham khảo New York Times (NYT)
>> ‘Gã khổng lồ’ kim cương đối mặt với khủng hoảng thừa chưa từng có trong lịch sử