Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á liên tiếp phá kỷ lục dự trữ gạo, sắp tự cung tự cấp: Việt Nam thiệt đơn thiệt kép?
Indonesia sắp vượt mốc 4 triệu tấn dự trữ gạo và có thể tác động không nhỏ đến việc họ giảm mạnh lượng nhập khẩu mặt hàng nông sản quan trọng này từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Kỷ lục thần tốc trong chưa đầy 5 tháng
Dự trữ gạo của Chính phủ Indonesia đang trên đà vượt mốc 4 triệu tấn và thiết lập mức cao nhất mọi thời đại sau khi đạt kỷ lục mới là 3,7 triệu tấn vào thứ Ba (13/5), theo dữ liệu từ Chính phủ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Tính đến ngày 13/5, mức dự trữ gạo hiện tại đánh dấu cột mốc cao nhất của “xứ sở vạn đảo” kể từ khi Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Bulog) được thành lập vào năm 1969, thể hiện một bước tiến lớn trong nỗ lực củng cố an ninh lương thực của quốc gia đông dân thứ tư thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman đã ca ngợi thành tựu này khi gọi đây là kết quả của sự phối hợp giữa nông dân, chính quyền Trung ương và địa phương, cùng vai trò chủ động của Bulog trong việc thu mua lúa gạo của nông dân trên khắp cả nước.
“Đây là một khoảnh khắc mang tính lịch sử đối với khả năng tự chủ lương thực của Indonesia. Lượng dự trữ gạo của chúng ta đã đạt 3,7 triệu tấn – mức cao nhất trong 57 năm qua. Đây không chỉ là một con số, mà là minh chứng rõ ràng cho cam kết của Chính phủ đối với nông dân và hệ thống lương thực đang ngày càng vững mạnh từ đầu vào đến đầu ra”, ông Amran phát biểu tại Jakarta.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng nhấn mạnh rằng thành tựu này càng đáng ghi nhận hơn trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu và dân số ngày càng tăng của Indonesia (hơn 285 triệu dân tính đến ngày 15/5, theo Worldometer, đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ tư thế giới).
“Tốc độ thu mua lúa gạo của Bulog trong năm nay xứng đáng được ghi nhận. Việc đạt được mức dự trữ này chỉ trong chưa đầy 5 tháng là nhanh hơn nhiều so với các năm trước”, ông nói.
>> Đứng Top 4 thế giới, Indonesia vẫn chi 625 triệu USD để nhập khẩu gạo Việt Nam

Để hỗ trợ sản xuất lúa gạo, Chính phủ đã tăng trợ cấp phân bón, phân phối máy móc nông nghiệp, đẩy nhanh lịch gieo trồng và áp dụng các công cụ kỹ thuật số trong canh tác.
Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cũng đã nâng giá sàn lúa chưa xay từ 5.500 rupiah (hơn 8.600 đồng) lên 6.500 rupiah (hơn 10.000 đồng) mỗi kg nhằm đảm bảo giá thu mua có lợi cho nông dân.
Kỷ lục dự trữ gạo trước đây của Indonesia được thiết lập vào tháng 9 năm 1985 với 3 triệu tấn, đạt được trong vòng 9 tháng. Lượng dự trữ mặt hàng nông sản này hiện tại của đất nước có đến hơn 17.000 hòn đảo đã vượt mức đó gần 700.000 tấn, thậm chí còn cao hơn so với những giai đoạn đỉnh cao của các chương trình tự túc lương thực trước đây.
Ông Amran cũng nhấn mạnh ý nghĩa của thành tựu này trong bối cảnh dân số Indonesia gia tăng – từ 166 triệu người năm 1984 lên hơn 285 triệu người hiện nay.
Vị Bộ trưởng này khẳng định rằng lượng dự trữ gạo dồi dào sẽ đóng vai trò như một “vùng đệm chiến lược” nhằm ổn định giá gạo và tăng cường vị thế của Indonesia trước sự biến động của thị trường lương thực toàn cầu.
“Sản xuất thặng dư sẽ không có ý nghĩa nếu không được thu mua đúng cách. Nếu Chính phủ không mua lúa của nông dân, họ sẽ bị thiệt hại. Lượng dự trữ này sẽ hỗ trợ các kho dự trữ chiến lược quốc gia, các chương trình viện trợ lương thực và thậm chí có thể phục vụ xuất khẩu”, ông Amran nói.
Để quản lý lượng dự trữ gia tăng nhanh chóng, Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị các kho khẩn cấp và chỉ định 25.000 điểm lưu trữ mới trên toàn quốc nhằm đảm bảo việc tiếp nhận và phân phối gạo một cách an toàn.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi lớn vì Indonesia dư thừa lúa gạo?
Việc “xứ sở vạn đảo” liên tiếp cán mốc kỷ lục mới về lượng dự trữ gạo quốc gia có thể ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam.
Nếu Indonesia dừng nhập khẩu gạo trong năm 2025, điều đó sẽ tạo ra một sự sụt giảm về nhu cầu khá lớn trên thị trường quốc tế. Đất nước đông dân nhất Đông Nam Á là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo BSP, trong 11 tháng năm 2024, Indonesia nhập khẩu 3,85 triệu tấn gạo, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng gạo nhập khẩu này chủ yếu đến từ Thái Lan (1,19 triệu tấn), Việt Nam (1,12 triệu tấn) và Myanmar (642.000 tấn).

Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương cũng như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt mức cao nhất từ trước tới nay, tăng trưởng ở mức hai con số.
Tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 1.120.339 tấn, đạt giá trị 679 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và 10,4% về giá trị. Với giá trị và số lượng gạo xuất khẩu trong kỳ, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong 2024.
Ước tính trong năm 2024, lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 3,4 triệu tấn, chỉ đứng sau Philippines và Indonesia. Tuy nhiên, sang năm 2025, Indonesia dự kiến chỉ nhập khoảng 800.000 tấn nhờ sản lượng nội địa phục hồi mạnh, trong khi Việt Nam sẽ vượt lên chiếm vị trí thứ 2 thế giới cả về nhập khẩu lẫn xuất khẩu gạo, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Theo Jakarta Globe
>> Nước Đông Nam Á hoãn mua 350.000 tấn gạo Việt Nam bất ngờ có động thái mới