Đánh bại G7, dự kiến vượt Mỹ, BRICS chính thức lập dấu mốc lịch sử
Nhiều thành viên trong khối BRICS đang giữ vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng hàng hóa cơ bản như năng lượng, thực phẩm và khoáng sản chiến lược – đặc biệt là Brazil và Nga.
BRICS, gồm 11 quốc gia thành viên, đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với mặt bằng chung toàn cầu. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố mới đây bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng GDP của BRICS dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,4% trong năm 2025 – cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,8%.
Trong năm 2024, BRICS ghi nhận mức tăng trưởng GDP là 4%, trong khi toàn cầu chỉ đạt 3,3%. Đồng thời, nhóm hiện chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP) và được dự báo sẽ vượt Mỹ về tốc độ tăng trưởng trong năm nay - một dấu mốc lịch sử.
Sức mạnh từ sự khác biệt
Chuyên gia kinh tế chính trị quốc tế Rodrigo Cezar từ Quỹ Getulio Vargas (FGV) nhận định: Sự đa dạng giữa các quốc gia thành viên BRICS chính là yếu tố tạo nên cả thách thức và cơ hội phát triển.
Ông lấy ví dụ về Brazil và Ấn Độ – hai quốc gia nằm ngoài các điểm nóng địa chính trị – đang tận dụng tốt xu hướng dịch chuyển thương mại toàn cầu. Việc Brazil đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là ngũ cốc, là một minh chứng điển hình.
“Các nước nằm ở trung tâm bất ổn toàn cầu buộc phải tăng chi tiêu công, thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng và công nghiệp để ứng phó. Điều này vô tình tạo ra làn sóng tăng trưởng kinh tế mới”, ông Cezar phân tích thêm, ám chỉ các xung đột và chiến tranh thương mại hiện nay.

BRICS: Quy mô và vai trò ngày càng lớn
Với hơn 40% dân số thế giới, các quốc gia BRICS sở hữu một lợi thế không thể xem nhẹ trong nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều thành viên trong khối cũng giữ vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng hàng hóa cơ bản như năng lượng, thực phẩm và khoáng sản chiến lược – đặc biệt là Brazil và Nga.
“Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của BRICS, nhất là khi nhóm này có khả năng điều tiết giá cả của nhiều loại nguyên liệu thô quan trọng”, ông Cezar nhấn mạnh.
Ngoài ra, quy mô dân số lớn và cơ cấu thương mại của BRICS cũng giúp nhóm này có sức chống chịu tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài. Dẫn đầu tăng trưởng dự báo năm 2025 là Ethiopia (6,6%), Ấn Độ (6,2%), Indonesia (4,7%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (4%) và Trung Quốc (4%).
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục giữ vị thế là nền kinh tế BRICS lớn nhất, chiếm 19,6% kinh tế toàn cầu trong năm nay. Tiếp theo là Ấn Độ (8,5%), Nga (3,4%), Indonesia (2,4%) và Brazil (2,3%).
“Trung bình tăng trưởng của nhóm được kéo lên bởi những quốc gia có nền tảng cấu trúc tốt và đầu tư mạnh. Ví dụ, nhu cầu đầu tư nội địa của Trung Quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng không chỉ của riêng họ mà còn của toàn khối,” ông Cezar nhận định.
Đối trọng với G7
Dữ liệu còn cho thấy BRICS đang dần vượt qua G7 – nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu – về tỷ trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Trong khi G7 chỉ chiếm khoảng 28% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm ngoái và năm nay, BRICS đã vượt mốc 40%.
Về tăng trưởng GDP trung bình, khoảng cách còn rõ rệt hơn: Năm 2024, G7 chỉ đạt mức 1,7% và dự báo giảm xuống 1,2% trong năm nay. Trong khi đó, BRICS ghi nhận mức trung bình 4% năm ngoái và dự kiến đạt 3,4% trong năm nay.
“Sự trỗi dậy của BRICS không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn mang tính chính trị. Nhóm này đang định hình như một đối trọng với sự thống trị của Mỹ và G7, mở ra một hướng đi khác cho trật tự kinh tế toàn cầu”, ông Cezar kết luận.
>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gia tăng hợp tác với BRICS trong bối cảnh thế giới đầy biến động?