Tuyến đường ngang linh thiêng nhất Trường Sơn huyền thoại: Hứng chịu hơn 17.000 tấn bom, bị B-52 và máy bay cường kích đánh liên tục

04-02-2024 00:36|Quỳnh Như

Đây là trục ngang có mức độ khốc liệt nhất, mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn.

Nhắc đến những địa chỉ đỏ trên dải đất miền Trung, người ta có thể kể ngay những địa danh hào hùng như Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị hay mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không quá nhiều người biết đến một trọng điểm trên dãy Trường Sơn là Cà Roòng - ATP đường 20 Quyết Thắng. Đây là con đường huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, hứng mưa bom lửa đạn của địch.

Đường 20 bắt đầu từ bản làng Phong Nha xinh đẹp, bên dòng sông Son xanh biếc đến ngã ba Lùm Phùm (tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông với đường 9.

Đường 20 Quyết Thắng được coi là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

Đường 20 Quyết Thắng được coi là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Binh đoàn 559 đặt cho con đường cái tên 20 bởi lẽ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và dân công đã tham gia mở, xây dựng và bảo vệ con đường này hầu hết đều ở lứa tuổi 20. Đây là con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông – vận tải nên còn có tên gọi: Đường 20 Quyết Thắng.

Tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết, từ cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang vận chuyển cơ giới. Tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất lúc này là đường 12 từ Khe Ve, Mụ Giạ, nối với đường 128 trên đất Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm... nhập vào đường 9 tại Na Bo.

Thế nhưng, khó khăn là suốt mấy tháng mùa mưa, Seng Phan lại trở thành túi nước, thành “tử huyệt” trên đường 128, cắt ngang tuyến vận tải. Chiến trường đang đợi. Mỗi cân gạo, mỗi khẩu súng đến đích kịp thời sẽ góp phần quyết định sự thắng bại của mỗi trận đánh. Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trình và được Quân ủy Trung ương chuẩn y kế hoạch mở trục đường ngang mới xuất phát từ Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đúng ngày mùng 1 Tết Bính Ngọ (ngày 21/1/1966), tại chân dốc Đồng Tiền, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Với hai hướng chính đông-tây đồng thời khởi công, huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến mở đường 20. Ảnh tư liệu

Bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến mở đường 20. Ảnh tư liệu

Từ phía đông, công trường 20 chịu trách nhiệm thi công từ Phong Nha đến sông Ta Lê do Phan Trầm chỉ huy. Lực lượng thi công gồm Trung đoàn 10, Trung đoàn 4 và các tiểu đoàn thanh niên xung phong đến từ các tỉnh Nam Hà, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Đây là đoạn đường khó khăn nhất, khối lượng lớn nhất với các điểm thi công khó như dốc Đồng Tiền, U Bò, Khe Diêm và đặc biệt là dốc Ba Thang.

Tại dốc Ba Thang, các chiến sĩ công binh phải thường xuyên treo mình trên vách đá, mồ hôi thấm ướt lỗ mìn. Sau 15 ngày đêm liên tục thi công với choòng tay và thuốc nổ, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 10 đã làm nên kỳ tích “Hạ gục Ba Thang”. Mũi phía tây là công trường 128 thi công từ Lùm Bùm đến Ta Lê… Việc thi công cũng không kém phần vất vả, đoạn qua đèo Phu La Nhích dốc dựng đứng, đoạn qua các sông Chà Là, Ta Lê nước chảy rất xiết.

Và sau gần 4 tháng thi công, ngày 14/4/1966, hai cánh thi công đã gặp nhau ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Đường cơ bản thông, ngày 5/5/1966, đoàn xe 15 chiếc của Binh trạm 14 chở gạo đi qua.

Theo tư liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh cho biết, đã có gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến tham gia mở đường. Đường 20 đã hoàn thành trong thời gian kỷ lục 4 tháng thi công với hơn 1 triệu mét khối đất đá được đào đắp…

Tháng 3/1973, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vào thăm. Đứng trên trọng điểm ATP còn nguyên màu đất đỏ, Đại tướng nói: "Đường 20 xứng đáng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan".

Các lực lượng trên đường 20 Quyết Thắng đã không quản ngại gian khổ, hy sinh với tinh thần người trước ngã, người sau thay thế: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả vì chiến thắng!”...

Đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Có thời điểm như khoảng cuối tháng 11/1969, suốt 15 ngày đêm, địch sử dụng B-52 kết hợp với máy bay cường kích F-105, F-4 đánh liên tục vào trọng điểm ATP (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích).

Mỗi ngày khoảng 30 lần/B-52, khoảng 50 lần/máy bay cường kích vừa đánh bổ nhào, vừa rải thảm theo tọa độ, trút bom xuống biến toàn bộ khu vực này thành “sa mạc”. Cua chữ A biến mất để lại hàng trăm hố bom và cồn đất đỏ. Hai đầu ngầm Ta Lê bị bom xới để lại hàng trăm hồ nước. Đèo Phu La Nhích bị bóc hết cây cối, hàng ngàn mét đường bị khoét sâu vào taluy.

Trong 15 ngày, số bom Mỹ ném xuống ATP lên đến 17.625 tấn; trung bình 1km đường là 2.203 tấn (mỗi mét dài đường chịu 2,2 tấn bom). Đây là những con số vô cùng kinh khủng đối với bất kỳ cuộc chiến nào trên thế giới.

Di tích cầu Trạ Ang. Ảnh: Báo Lao Động

Di tích cầu Trạ Ang. Ảnh: Báo Lao Động

Nếu di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh có 46 điểm di tích thì riêng đường 20 Quyết Thắng có 6 di tích là phà Xuân Sơn, hang Tám Cô, dốc Ba Thang, ngầm Cà Roòng, hang Thông tin, hang NH là Di tích Quốc gia đặc biệt; Trạ Ang là Di tích Quốc gia. Đoạn đường 20 nằm trên lãnh thổ Lào đang được các cơ quan chức năng lập hồ sơ để Nhà nước Lào công nhận là Di tích Quốc gia Lào.

Đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ảnh: Báo Lao Động

Đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ảnh: Báo Lao Động

Giờ đây, trên đất Quảng Bình, đường 20 Quyết Thắng hiện chỉ dài khoảng 70km nhưng dày đặc tượng đài, đền tưởng niệm, bia đá khắc ghi chiến công và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ. Đây được coi là tuyến đường ngang linh thiêng nhất trong hệ thống đường Trường Sơn.

>> Chiến hạm tên lửa hiện đại đầu tiên do Việt Nam đóng: Trang bị 16 tên lửa chống hạm, có độ ổn định bậc nhất thế giới

Sân bay có đường băng ngắn nhất thế giới: Dài chưa đầy 400m, có thể khiến máy bay lao xuống biển nếu xảy ra sự cố nhỏ

Mẫu máy bay điện chở khách lớn nhất thế giới: Có thể chở được 90 hành khách với tầm hoạt động lên đến 1.000km, bay 800km cho mỗi lần sạc

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tuyen-duong-ngang-linh-thieng-nhat-truong-son-huyen-thoai-hung-chiu-hon-17000-tan-bom-bi-b-52-va-may-bay-cuong-kich-danh-lien-tuc-d115927.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tuyến đường ngang linh thiêng nhất Trường Sơn huyền thoại: Hứng chịu hơn 17.000 tấn bom, bị B-52 và máy bay cường kích đánh liên tục
    POWERED BY ONECMS & INTECH