Theo các chuyên gia, sang năm 2023, tỷ giá hối đoái và lãi suất có thể vẫn còn chịu nhiều áp lực.
Dự báo về diễn biến của tỷ giá, giới phân tích cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ duy trì xu hướng ổn định trong giai đoạn cuối năm. Áp lực tỷ giá giảm cho phép NHNN bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng giúp VND mạnh lên trước diễn biến điều hành lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cùng với sự hạ nhiệt của đồng USD, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - đây là cơ hội để Việt Nam giảm lãi suất với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sang năm 2023, tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam có thể vẫn còn chịu nhiều áp lực trước diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 2023, Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Shinhan (Shinhan Bank) dự báo năm 2023, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị gia tăng.
“Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát giảm bớt, USD/VND sẽ dần ổn định và có xu hướng giảm. Dù vậy, với suy thoái kinh tế toàn cầu, khối lượng giao dịch giảm, rủi ro thị trường bất động sản gia tăng do các quy định chặt chẽ hơn và lãi suất tăng... tỷ giá USD/VND vẫn có thể tăng”, nhóm phân tích Shinhan Bank đánh giá.
Tương tự, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng VND sẽ vẫn còn dư địa giảm giá so với đồng USD cho năm nay, thậm chí sang năm 2023.
Các chuyên gia dự báo mức giảm giá của VND sẽ là 3-4%.
“Giai đoạn này, diễn biến thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới”, VCBS nhận định.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho hay, những áp lực mất giá của VND trong năm 2023 sẽ thấp. Nguyên nhân chính là do đồng USD suy yếu trong thời gian gần đây. Xu hướng này có thể tiếp tục do Fed dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 và có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, FII, cán cân thương mại thăng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân.
Giá cà phê hôm nay 20/11: diễn biến lạ của giá cà phê trong nước
Giá vàng hôm nay 20/11/2024: Vọt lên vì Nga-Ukraine, vàng SJC, nhẫn trơn bùng nổ