Ukraine muốn tấn công lãnh thổ Nga từ lâu, phá vỡ đàm phán hòa bình ‘bí mật’
Ukraine từ lâu đã lên kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Nga giống như cuộc tập kích xuyên biên giới vào vùng Kursk đang diễn ra.
Đây là thông tin được hãng tin NBC News dẫn lời một cố vấn cấp cao giấu tên trong chính phủ Ukraine. Hôm 6/8, Ukraine đã phát động cuộc tấn công có quy mô lớn nhất vào lãnh thổ Nga, kể từ khi xung đột hai nước bùng nổ vào tháng 2/2022. Cuộc đột kích vào vùng Kursk đã nhanh chóng bị quân đội Nga ngăn chặn, song quân đội Ukraine vẫn đang nắm giữ một số khu định cư ở khu vực biên giới.
Theo cố vấn Ukraine giấu tên, ý tưởng về một cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga đã “được đưa lên bàn thảo luận của Kiev trong hơn một năm”.
Quan chức Ukraine cho biết thêm, mục tiêu của chiến dịch đột kích là chuyển hướng chú ý của Nga khỏi các khu vực tiền tuyến mà đặc biệt ở Donbass, nơi các lực lượng Moscow đã tiến quân đều đặn kể từ đầu năm nay.
Còn theo NBC News, chiến dịch tấn công vùng Kursk là “canh bạc lớn” của chính quyền Ukraine. “Câu hỏi bây giờ là Kiev muốn, và có thể giữ được các khu vực giành được ở vùng Kursk trong bao lâu mà không phải hy sinh thêm vùng trung tâm phía đông Ukraine”, NBC News cho hay.
Bởi trong tuần này, quân đội Nga thông báo đã giành quyền kiểm soát 3 khu định cư từ lực lượng Kiev ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, và tiếp cận thị trấn chiến lược Krasnoarmeysk mà Ukraine gọi là Pokrovsk.
Hồi đầu tuần, Thiếu tướng Apty Alaudinov, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Akhmat của Nga, cho hay theo thông tin tình báo mà quân đội Nga thu thập được, mục đích tấn công thực sự của Ukraine là giành được Nhà máy điện hạt nhân Kursk. Ông nói thêm, Ukraine đã đặt kỳ vọng có thể đạt được điều này trước ngày 11/8.
“Cuộc tấn công chớp nhoáng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho nhằm giành lấy nhà máy điện hạt nhân ở Kurchatov, và bắt đầu đàm phán với tối hậu thư yêu cầu Nga rời khỏi một số nơi hoặc làm điều gì đó nhưng đã bị thất bại”, ông Alaudinov nhấn mạnh.
Hôm 17/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố kể từ khi tấn công vào vùng Kursk, Ukraine đã mất 3.160 binh sĩ và hàng trăm đơn vị khí tài quân sự bao gồm 44 xe tăng, 43 xe bọc thép, và 3 hệ thống phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất.
“Hoạt động tiêu diệt các lực lượng vũ trang Ukraine vẫn tiếp tục”, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.
Tấn công Kursk phá hỏng cuộc đàm phán hòa bình ‘bí mật’
Hôm 17/8, tờ Washington Post dẫn lời các nguồn tin cho hay việc Ukraine tấn công vùng Kursk của Nga đã làm chệch hướng các cuộc đàm phán bí mật giữa Moscow và Kiev do Qatar làm trung gian, vốn có thể mở đường cho “lệnh ngừng bắn một phần”.
Một nhà ngoại giao giấu tên nói với Washington Post rằng, Nga và Ukraine đều có ý định cử phái đoàn đến Doha để đàm phán một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng hai bên. Tuy nhiên, khi quân đội Ukraine tiến hành tấn công quy mô lớn vào vùng Kursk, một nguồn tin cho hay các quan chức Nga đã hoãn cuộc họp, khi mô tả hành động của Kiev là “sự leo thang”. Song nhà ngoại giao giấu tên nhấn mạnh, Nga “không hủy bỏ các cuộc đàm phán, mà nói hãy cho chúng tôi thời gian”.
Cũng theo Washington Post, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt hành động tấn công vào cơ sở hạ tầng đã diễn ra trong 2 tháng qua. Một số nhân vật tham gia vào các cuộc thảo luận còn hy vọng có thể mở đường cho một thỏa thuận rộng hơn nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Kiev lại tỏ ra hoài nghi về cuộc đàm phán, khi ước tính cơ hội thành công chỉ ở mức 20%, hoặc ít hơn. Sau khi Nga quyết định tạm dừng đàm phán, phái đoàn Ukraine cho biết vẫn muốn đến Doha, nhưng bị Qatar từ chối vì cho rằng hình thức đàm phán như này không có hiệu quả. Lần gần nhất Nga và Ukraine tổ chức đàm phán hòa bình là ở Istanbul vào mùa xuân năm 2022.
Washington Post cho biết thêm, các quan chức Ukraine ngày càng lo lắng về việc liệu nước này có thể sống sót qua mùa đông hay không, nếu như Nga tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Hồi tháng 5, Kiev ước tính nước này đã bị mất 50% công suất sản xuất năng lượng do các cuộc tấn công của Nga.
>>Ukraine đánh sập cầu ở Kursk, tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga