“Giảm bớt được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính, những người tuân thủ luật pháp sẽ được hưởng lợi”.
Đây là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay.
Theo đó, thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, số vụ việc, vụ án phát hiện hàng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm so với thực tiễn còn có hạn chế, đặc biệt là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có tỷ lệ phát hiện so với hàng buôn lậu, hàng cấm còn khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ chiếm 20-30%.
Nguyên nhân được đánh giá do hệ thống văn bản pháp luật về thuế xuất nhập khẩu ngành hải quan rất đồ sộ. Ví dụ, danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo thông tư của Bộ Tài chính lên tới gần 2.000 trang; Các biểu thuế liên quan xuất nhập khẩu có tới 31 biểu thuế phải áp dụng, từ VAT, tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu ưu đãi… Điều này gây nhiều khó khăn cho cán bộ thực thi. Thêm đó, có nguyên nhân từ năng lực, trình độ, với hệ thống văn bản gây khó cán bộ và các doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cố tình khai không đúng thuế suất để trốn thuế.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giảm bớt được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính, những người tuân thủ luật pháp được hưởng lợi.
Ông Hiếu dẫn chứng, trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu gian lận thuế, thì giá cả hàng hóa của họ sẽ trở nên cạnh tranh hơn, ngược lại, những doanh nghiệp sản xuất chân chính phải chịu nhiều chi phí hơn, phải bảo hộ quyền sở hữu, tìm kiếm thị trường...
Hiện nay tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chuyển từ hình thức mua bán, vận chuyển, giao nhận trực tiếp và truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, qua đường chuyển phát nhanh, rất khó cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.
“Thách thức này sẽ luôn tồn tại nếu còn thuế xuất nhập khẩu, những mặt hàng cấm, mặt hàng hạn chế. Chỉ khi nào tiến đến một xã hội các sản phẩm khoa học, sở hữu trí tuệ được sử dụng một cách rộng rãi.... thì lúc đó mới hết những thách thức này”, ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia cũng nhận định, ngành hải quan đang cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ kép, vừa chống gian lận thương mại, buôn lậu, vừa đảm bảo thu ngân sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Do đó, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin sẽ cực khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của ngành Hải quan.
Kiến nghị giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, ông Hiếu cho rằng, cải cách thể chế, đặc biệt đối với hải quan phải thuận lợi hóa thương mại là vấn đề mấu chốt. “Với khối lượng công việc lớn, độ phức tạp của hoạt động thương mại gia tăng, với áp lực phải giảm thời gian kiểm tra, thủ tục thuận lợi, "đã nhanh rồi phải nhanh hơn nữa, đã thuận lợi rồi phải thuận lợi hơn nữa", tạo ra thách thức rất lớn đối với cơ quan hải quan...”, ông Hiếu nói.
Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng, gia tăng về năng lực, cả về kỹ thuật cả về nhân lực rất quan trọng. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin cũng góp phần quan trọng trong việc giảm bớt thách thức này.
Ở góc nhìn quản lý, ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết, “Cho dù có một nền tảng chính sách tốt, một pháp luật tốt, quy trình tốt, một công cụ tốt nhưng người thực hiện không đủ năng lực thì cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Vì vậy, thách thức đầu tiên là con người”.
Theo ông Phương, gần đây ngành hải quan phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám (các cán bộ có năng lực, có kỹ năng, có chuyên môn cao dần dần đã rời bỏ các cơ quan nhà nước), trong khi khối lượng công việc ngày càng gia tăng. Đây là tình trạng chung, không phải là riêng của cơ quan hải quan.
“Do đó, việc chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ 4.0 của ngành hải quan, bản chất không còn là mục tiêu mà là nhu cầu tự thân để giải quyết những vấn đề thách thức hiện nay”, ông Phương chia sẻ.
Thu ngân sách từ xử lý vi phạm tăng 242% so với cùng kỳ năm trước
Kỷ luật cảnh cáo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa