Sacombank (STB) và HDBank (HDB) là 2 nhà băng được dự phóng mức tăng lợi nhuận cao nhất quý 1/2023 lần lượt đạt 57-70% và 20-25%.
SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2023 của 32 doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Trong đó, hơn nửa số doanh nghiệp được dự phóng lãi tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Ngân hàng chiếm vị tỷ trọng lớn nhất trong danh sách tích cực khi có đến 8 mã góp mặt: VIB, STB, VCB, MBB, CTG, BID, ACB và HDB. Sacombank và HDBank là 2 cái tên đáng chú ý nhất với mức tăng lợi nhuận ước đạt lần lượt 57-70% và 20-25%.
SSI ước tính KQKD quý 1/2023 của 32 doanh nghiệp |
Cụ thể, SSI nhận định hoạt động kinh doanh cốt lõi của STB dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng vượt trội 57% - 70% svck (2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng) so với mức nền thấp trong quý 1/2022. Trong khi tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ thấp hơn 1% so với cuối năm 2022, tổng tiền gửi dự kiến sẽ tăng nhẹ trong quý 1/2023.
Về HDB, SSI dự phóng lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 3 - 3,2 nghìn tỷ đồng (+20% - 25% svck) với tín dụng tăng trưởng mạnh 10% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát.
Ngược lại, TCB và MSB là 2 ngân hàng được dự báo lợi nhuận quý 1 sụt giảm do NIM giảm, chi phí tín dụng tăng và áp lực từ chất lượng tài sản.
Nguồn: Bò và Gấu |
Đại diện nhóm hàng không ACV được dự báo LNTT Q1/2023 tăng trưởng mạnh 50-70% svck từ mức nền thấp được thiết lập trong năm trước và lượng khách du lịch quốc tế phục hồi mạnh (đạt khoảng 60% so với trước COVID).
Ông lớn bán lẻ VRE cũng được dự kiến phục hồi tốt với mức tăng trưởng khoảng 60% svck nhờ: (i) chấm dứt hoàn toàn việc hỗ trợ tiền thuê do Covid-19, (ii) đóng góp từ 3 TTTM mới khai trương trong Q2/2022 và (iii) kết quả vận hành các TTTM tiếp tục cải thiện.
Trong năm 2023, theo kịch bản cơ sở, VRE đề xuất kế hoạch kinh doanh cụ thể như sau: doanh thu đạt 10,3 nghìn tỷ đồng (+40% svck) và lợi nhuận ròng đạt 4,7 nghìn tỷ đồng (+69% svck), chủ yếu nhờ sự cải thiện mạnh của mảng cho thuê trung tâm thương mại và gia tăng ghi nhận doanh thu bán shophouse.
Nhóm bất động sản, xây dựng có Kinh Bắc (KBC) được ước tính tăng 70% dựa trên dự tính có thể bàn giao diện tích đất khá lớn tại các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và KCN Quang Châu cho một số khách thuê chính. Ngoài ra, nhờ dòng tiền dồi dào từ cho thuê đất KCN, KBC mới đây đã thực hiện mua lại trước hạn hai lô trái phiếu doanh nghiệp có tổng giá trị 2 nghìn tỷ đồng và điều này sẽ giúp giảm đáng kể áp lực nợ vay trong thời gian tới.
CTR dự kiến tăng 20% svck nhờ mảng cho thuê trạm BTS. Bộ Thông tin & Truyền thông đã khởi động đấu giá băng tần mới 4G & 5G, điều này có thể là yếu tố hỗ trợ đối với mảng cho thuê trạm BTS. Trong 2T2023, LNTT của CTR tăng 19,8%, vượt ước tính của SSI về tốc độ tăng trưởng khoảng 15%.
Ngoài ra, SSI ước tính lợi nhuận của PVD, PVT, FPT, QNS, IMP,… cũng tăng khá so với cùng kỳ.
Ngược chiều, nhóm phân bón, hoá chất, thép kém khả quan với ước tính lợi nhuận giảm sâu: BSR (-50%); DCM (-81%); DPM (-84%); HSG (-70%).
HPG từ lãi chuyển lỗ |
Trong khi, Hoà Phát (HPG) thậm chí sẽ lỗ trong quý 1/2023, so với mức lợi nhuận dương 8,2 nghìn tỷ đồng cùng kỳ, do công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu. Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC và phôi thép của HPG giảm 37% xuống còn 1,37 triệu tấn trong quý q/2023, tương đương với mức công suất hoạt động là 65% so với 100% trong quý 1/2022 và 70% trong quý 4/2022. Tuy nhiên, mức lỗ có thể ít hơn nhiều so với mức lỗ của 2 quý liền trước nhờ sự hồi phục của giá thép.
Vận tải Hải An (HAH) cũng bị đánh giá lợi nhuận giảm 50% svck do giá cho thuê và giá giao ngay đều giảm. Ngoài ra, FRT, GAS, TRA, QTP,… cũng không mấy lạc quan khi lợi nhuận bị thổi bay hàng trăm hàng nghìn tỷ so với quý 1/2022.