Uy lực của 'hỏa thần' Hải quân Việt Nam: Có thể bắn 10.000 viên/phút trên tàu chiến, là thứ vũ khí phòng không đáng sợ bậc nhất hiện nay
Đây là một trong những vũ khí cấu thành nên sức mạnh các lớp tàu chiến hiện đại của Hải quân Việt Nam.
Ra đời từ năm 1960, AK-630 là tên gọi của pháo cao tốc phòng không tự động do Liên Xô nghiên cứu phát triển. Tới nay, loại pháo cao tốc này đã trở thành chứ vũ khí không thể thiếu trên hầu hết mọi lớp tàu chiến của Nga và nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Việt Nam.
Loại pháo hạm tự động 6 nòng cỡ 30mm được điều khiển bởi một hệ thống điều khiển hỏa lực radar hoặc vô tuyến. AK-630 được coi là vũ khí đa nòng có tốc độ bắn nhanh nhất hiện nay, có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ tàu chiến, chống lại các cuộc tấn công của các tên lửa chống hạm và tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu cánh cố định, máy bay trực thăng, tàu chiến cỡ nhỏ và công kích mục tiêu ven biển.
Các phiên bản của AK-630 hiện nay có mặt hầu hết trên các chiến hạm của Hải quân Nga, kể cả những tàu chiến được xuất khẩu ra nước ngoài cũng được trang bị hệ thống này.
Trong Hải quân nhân dân Việt Nam, AK-630 được lắp đặt trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9; tàu hộ tống tên lửa Project 1241RE, 1241.8 và BSP-500; tàu tuần tra Svetlyak và cả tàu pháo nội địa hiện đại TT-400TP.
Thông thường, các chiến hạm sẽ trang bị ít nhất 2 tổ hợp AK-630 để phòng thủ. Chúng được đặt ở đầu hoặc đuôi tàu để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình diệt hạm.
AK-630 có trọng lượng 9,1 tấn nếu được lắp đầy đủ đạn và hệ thống điều khiển, tốc độ bắn 5.000-10.000 viên/phút tùy phiên bản, sơ tốc đầu đạn 900m/giây. Tốc độ này có thể xé nát tên lửa hoặc máy bay đối phương. Tầm bắn của AK-630 khi chống lại tên lửa chống hạm là 4.000m. Đối với mục tiêu trên biển là 5.000m.
Tuy AK-630 được thiết kế với nhiệm vụ chủ yếu là phòng không nhưng với tốc độ bắn khủng khiếp cùng khả năng quay 360 độ thì vũ khí này có thể tiêu diệt các mục tiêu như tàu thuyền, máy bay, trực thăng và các mục tiêu rất phức tạp khác như tên lửa chống hạm có quỹ đạo bay thay đổi liên tục.
Mắt thần của hệ thống này là radar MR-123-02, loại radar có khả năng điều khiển đồng thời 2 pháo 30mm hay 2 pháo 57mm hoặc 1 cặp pháo 30mm và 57mm. Radar dò tìm mục tiêu trên không ở cự ly 4km, trong khi ở trên biển là 5km. Thiết bị theo dõi quang điện tử SP-521 phát hiện mục tiêu mang kích cỡ giống máy bay MiG-21 ở khoảng cách 7km hoặc mục tiêu kích cỡ như tàu phóng lôi ở cự ly 70km. Các hệ thống điện tử còn có khả năng giám sát với các chế độ theo dõi, miễn dịch trong điều kiện bị gây nhiễu điện tử mạnh.
Với tốc độ bắn cao như vậy, AK-630 được coi là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất thế giới trong nhiệm vụ phòng không. Vì trong tác chiến phòng không, pháo bắn càng nhiều đạn càng có hiệu quả cao, sẽ tạo ra mật độ hỏa lực dày cho phép đạt xác suất trúng mục tiêu lớn.
Bên cạnh AK-630, một số tàu chiến hệ cũ của Việt Nam được trang bị hệ thống pháo phòng không cao tốc AK-230 được Liên Xô phát triển từ những năm 1950-1960. Chức năng chính của pháo là phòng không, tuy nhiên nó cũng có thể tấn công cả mục tiêu trên biển.
Pháo AK-230 được trang bị trên các tàu phóng lôi lớp Shershen và tàu tên lửa cao tốc Osa II của Việt Nam. Bệ pháo AK-230 có trọng lượng khoảng 1,8-1,9 tấn, trang bị 2 pháo cỡ 30mm (nặng 156kg) có thể bắn đạn nổ thường hoặc xuyên giáp vạch đường, tốc độ bắn khoảng 2.000 phát/phút. Loại pháo này có thể đạt tầm bắn tối đa tới 6,7km, nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ là khoảng 2,5-4km.