Vải thiều Việt Nam khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế

08-06-2022 10:19|Đông Đoàn

Những trái vải đầu tiên niên vụ 2022 cũng đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Trái vải Việt Nam bắt đầu hành trình tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế.

4 năm trước, trái vải tươi của Việt Nam đã được phía Mỹ chấp thuận. Nhưng đến nay, sản lượng vải tươi xuất khẩu vào thị trường này còn khá khiêm tốn.

Sau 2 năm tập trung thị trường Nhật, năm nay nhiều doanh nghiệp, vùng trồng tiếp tục đẩy mạnh vào thị trường Mỹ, một thị trường tiềm năng nhưng khá là "khó tính", đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Bắc Giang lên kế hoạch xuất khẩu vải thiều sang Mỹ

Người dân Bắc Giang trồng vải thiều đạt chuẩn Global Gap và chuẩn hữu cơ. Những vườn vải thiều hữu cơ này đều được đánh mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn IRADS do phía Mỹ cấp cho các hộ nông dân ở Bắc Giang. Giám sát kỹ và ghi nhật ký từng ngày để đảm bảo cây vải không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Phía các nhà nhập khẩu tại Mỹ cho rằng, quả vải của Việt Nam có độ ngọt và thơm đặc trưng nên đang được thị trường này rất ưa chuộng, mặc dù giá thành một cân vải thiều Bắc Giang bán tại Mỹ đang có giá cao gấp ba lần so với những loại vải của các nước khác.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết, sản lượng vải toàn tỉnh năm nay dự kiến trên 160.000 tấn. Trong đó sẽ có khoảng 1.600 tấn vải được Mỹ cấp mã số IRADS sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU.

Thuận lợi và thách thức trong xuất khẩu vải sang Mỹ

Số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố cho thấy năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, nước này vẫn nhập khẩu 20,5 tỷ USD trái cây. Năm 2021, giá trị nhập khẩu trái cây vào Mỹ đạt 22,6 tỷ USD. Điều này cho thấy Mỹ là thị trường đầy tiềm năng đối với hoa quả Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng khi đây là một trong 6 loại trái cây của nước ta xuất sang nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài năm qua.

Để gia tăng lượng hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì điều quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo chất lượng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ hai và trước mắt đó là phải có giải pháp để giảm thiểu cước phí vận chuyển và đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ thông tin và lợi ích giữa người trồng, nhà xuất khẩu, các hãng vận tải và cả nhà nhập khẩu.

Thứ ba là tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng mạng lưới tiêu thụ vượt ra khỏi các địa bàn truyền thống.

Hiện ở Mỹ có không ít doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt có năng lực và mạng lưới phân phối lớn, bao gồm cả các siêu thị dòng chính của Mỹ.

Các doanh nghiệp này hoạt động ở rất nhiều tiểu bang, nhất là những nơi có đông người Việt sinh sống như là California, Oregon hay Texas là những đầu mối mà các doanh nghiệp Việt Nam cần và có thể kết nối thông qua các hiệp hội doanh nhân, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự hay thương vụ Việt Nam tại Mỹ để trái cây Việt Nam được biết đến và bán được tại thị trường đầy tiềm năng này.

Theo ước tính của doanh nghiệp, nguồn khách nước ngoài liên hệ mua vải từ việc tìm hiểu trên trang thương mại điện tử chiếm khoảng 30%.

Đẩy mạnh thương hiệu trái vải Việt Nam vào thị trường EU, Nhật, Mỹ bằng chất lượng, độ tươi ngon, tiếp tục duy trì nâng cao giá trị của trái vải vào thị trường truyền thống như Trung Quốc… là cách mà trái vải Việt Nam đang dần xây dựng được thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới. Dự kiến, năm nay sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường khoảng gần 120 nghìn tấn.

Tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam muốn chi 4.000 tỷ làm đường hầm xuyên núi kết nối cảng hàng không quốc tế của địa phương

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Petronas thúc đẩy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vai-thieu-viet-nam-khang-dinh-thuong-hieu-tren-thi-truong-quoc-te-130090.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vải thiều Việt Nam khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH