Nhân chi sơ tính bản thiện và nhân chi sơ tính bản ác là hai mặt không thể tách rời của con người. Thị trường và Nhà nước là đất dụng võ của cái ác trong con người và Cộng đồng là chỗ dành cho cái thiện.
Hệ thống được thiết kế đúng để cái ác và cái thiện trong con người được phát huy tích cực thì sẽ tốt cho xã hội. Trong đó thiết chế cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Thị trường và chính trường được ví như chiến trường mà nó được thể hiện ở câu nói: “Nhân từ với đối thủ là tàn nhẫn với chính mình.” Giải thích cái ác rất đơn giản là trong thương trường và chính trường thì người mong đối thủ của mình mạnh và tốt lên chỉ là ngoại lệ. Đa phần đều muốn hay “trù ẻo” để đối thủ gặp chuyện chẳng may để mình vươn lên. Niccolò Machiavelli đã phân tích rất kỹ vấn đề này trong “Quân vương” và Tôn Tử cũng làm điều tương tự trong “Binh pháp”, hai tác phẩm kinh điển trong khoa học chính trị và cũng được xem là gối đầu giường của các doanh nhân. Phần được xem là tinh túy nhất của hai tác phẩm này là những chiêu dẫn dụ, lừa lọc để thắng được đối phương.
Cạnh tranh và sân chơi bình đẳng là cơ chế hữu hiệu nhất để các thực thể trong thị trường cùng tốt lên; và cạnh tranh và giám sát quyền lực là cơ chế để nhà nước có thể tốt lên. Nếu có thể thiết kế như vậy vai trò của Thị trường và Nhà nước sẽ được phát huy, thúc đẩy sự phát triển. Rất khó để có thể phát huy phần thiện trên thương trường và chính trường. Điều nên làm là hướng việc cạnh tranh hay tranh đoạt của các cá nhân và tổ chức theo hướng tạo ra các kết quả tích cực cho xã hội.
Cộng đồng đóng một vai trò rất lớn để hai trụ cột kia được vận hành trong một môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và được giám sát tốt. Hơn thế, vai trò quan trọng nhất của cộng đồng là phát huy tính thiện lương và phần người trong mỗi chúng ta. Không ít doanh nhân hay chính trị gia tỏ ra ghê gớm và cao tay trên thương trường và chính trường cũng đã rất hào phóng và tích cực cho các công việc của cộng đồng.
Những gì xảy ra ở Viêt Nam kể từ khi có dịch Covid, đặc biệt là thời gian gần đây ở TPHCM cho thấy rất rõ điều này. Thông qua những thiết chế cộng đồng, rất nhiều người góp công, góp của để lo hay hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế hơn.
Những người cần được hỗ trợ hay giúp đỡ ở khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm và các nhu cầu vô cùng đa dạng cả về vật chất lẫn tinh thần. Để hỗ trợ họ, cần phải có rất, rất nhiều người tham gia. Doanh nghiệp chỉ có thể đóng góp thông qua các thiết chế cộng đồng hoặc nhà nước chứ không thể tổ chức làm việc này vì cần nguồn lực rất lớn mà lại không tạo ra lợi nhuận. Tính cứng nhắc và nguồn lực có hạn của nhà nước không thể làm thay các công việc của cộng đồng.
Cộng đồng đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong thời gian qua ở Việt Nam. Nhiều cá nhân ở những vị trí và công việc khác nhau đã tham gia một cách tích cực.
Tuy nhiên, các hoạt động hiện tại đa phần là tự phát và mang tính tức thời chứ không phải là những thiết chế cộng đồng được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp. Với cách tổ chức như hiện tại, những bất cập sẽ phát lộ khi dịch bệnh kéo dài. Số cá nhân và tổ chức có thể duy trì các hoạt động hỗ trợ cộng đồng sẽ giảm đi rất nhiều, trong khi nhu cầu được trợ giúp của một bộ phận người dân vẫn sẽ rất lớn.
Thêm vào đó, với cách nhìn khá khắt khe và yêu cầu quá cao và không thực tế của dư luận hay xã hội đối với việc tham gia các công việc xã hội của những người nổi tiếng trong thời gian qua và một số người đã va vấp hoặc nếm trái đắng đã dẫn đến kết quả là không có nhân vật nổi tiếng nào đứng ra kêu gọi quyên góp và chung tay cho cộng đồng. Đây quả là điều hết sức đáng tiếc cho xã hội VN của chúng ta.
Tình hình trong thời gian tới nếu dịch bệnh tiếp tục căng thẳng ở VN sẽ rất thách thức. Việc tham gia của đông đảo người dân để lo cho các vấn đề xã hội là rất quan trọng. Để có thể làm điều này, một số vấn đề sau cần được xem xét.
Thứ nhất, nhà nước cần đánh giá đúng vai trò của cộng đồng và tạo điều kiện cũng như hỗ trợ để các thiết chế cộng đồng có thể phát huy vai trò. Những nghi ngại đối với các thiết chế này nên được tháo bỏ và nguồn lực dành để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội nên được chuyển một phần qua các thiết chế cộng đồng.
Thứ hai, xã hội hay dư luận nên có cái nhìn bao dung hay thực tế hơn đối với công việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Công sức bỏ ra của một người đứng ra kêu gọi chung tay cho xã hội là rất lớn. Điều này cần được trân trọng. Với những sơ xuất của một vài tổ chức hay cá nhân nào đó nếu xảy ra nên được nhìn thấu đáo và bao dung hơn. Nếu cứ truy đến cùng, trốc đến gốc như điều đã xảy ra thì sẽ rất khó. Đâu ai còn động cơ và nhiệt huyết để ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng khi thấy bài học có phần cay đắng của những người khác cho dù có thể những người đó có những sai lầm.
Cộng đồng là nơi để cái thiện trong mỗi chúng ta được phát huy hay có đất dụng võ. Do vậy, chúng ta cùng làm cho nó thấm đẫm tính nhân văn, sự bao dung. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn và bức bối lắm rồi, chúng ta nên cùng nhau phát huy thiện căn của con người để tạo ra nhiều luồng gió mát cho cuộc đời thêm ý nghĩa.