Vai trò lãnh đạo của Mỹ đang suy yếu?
Vừa vượt qua một giai đọa đại dịch gây thiệt hại nặng nề nhất kể từ năm 1945, Mỹ hiện phải đối mặt với những thách thức xuyên quốc gia cấp bách trong bối cảnh hệ thống tư bản toàn cầu ngày càng chịu nhiều áp lực hơn sau nhiều thập kỷ.
Philip Zelikow, Giáo sư lịch sử tại Đại học Virginia, thành viên cao cấp tại Viện Hoover của Đại học Stanford và từng là nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu, bình luận trong số đặc biệt tháng 1/2024 của tạp chí Foreign Affairs (Mỹ) rằng thế giới đang bước vào thời kỳ khủng hoảng cao độ. Chiến tranh hoành hành ở châu Âu, Trung Đông và mối đe dọa xung đột đang rình rập Đông Á.
Theo Giáo sư Zelikow, vừa vượt qua một giai đọa đại dịch gây thiệt hại nặng nề nhất kể từ năm 1945, Mỹ hiện phải đối mặt với những thách thức xuyên quốc gia cấp bách khác, như quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh khí hậu xấu đi, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và hệ thống tư bản toàn cầu ngày càng chịu nhiều áp lực hơn sau nhiều thập kỷ. Và trong hầu hết mọi vấn đề, dù thích hay không hài lòng với Mỹ, nhiều nước trên thế giới đều trông cậy vào chính phủ Mỹ để được giúp đỡ, hoặc chí ít là tư vấn trong tổ chức công việc.
Nhưng hiện Mỹ không thể đáp ứng được những nhu cầu này. Việc cung cấp các chính sách hiệu quả của Washington còn hạn chế. Ví dụ, hạn chế về khả năng hoạch định chính sách hiệu quả của Mỹ đã được thể hiện một cách rõ ràng trong đợt bùng phát COVID-19, khi thế giới không thành lập được một liên minh toàn cầu để chống lại đại dịch. Điều đó cũng đang được thể hiện ở Ukraine, nơi Mỹ đang vật lộn để hỗ trợ Ukraine nhằm duy trì xung đột với Nga trong một cuộc chiến tranh tiêu hao.
Về xung đột Israel-Hamas, đối với nhiều người, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Gaza dường như đòi hỏi Mỹ phải đóng vai trò trung tâm. Nhưng Mỹ dường như không và không muốn đóng vai trò đó. Kết quả là, bất chấp việc nhiều quốc gia muốn Mỹ có hành động cụ thể để chấm dứt giao tranh giữa Israel và Hamas khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng trong gần 3 tháng qua, cho đến nay là xung đột vẫn tiếp diễn.
Rõ ràng, cường độ xung đột hiện nay trên thế giới đã ở mức cao nhất trong hơn một thế hệ. Hãy nhìn vào khu vực xung quanh Dải Gaza. Ngay cả trước cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, Libya, Sudan, Syria và Yemen đã tan nát vì xung đột, dẫn đến hàng triệu người chết đói và phải di tản. Tất cả các nỗ lực hòa giải và tái thiết quốc tế nhằm giải quyết những cuộc khủng hoảng này đều diễn ra kém hiệu quả. Điều đó cũng chứng tỏ nỗ lực hòa giải và gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nói chung và Mỹ nói riêng đã thất bại.
Tiếp đó là nhu cầu ở các khu vực khác và những mối quan tâm xuyên quốc gia, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, các cuộc cách mạng kỹ thuật số và sinh học cũng như sự mong manh của hệ thống tài chính toàn cầu. Một số vấn đề này đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Một lần nữa, phần lớn tin tức về sự hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây lại gây thất vọng: các vấn đề trong việc điều phối quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, với sự phối hợp rời rạc về công nghệ xanh, các cuộc đàm phán chưa có hồi kết về các vật liệu quan trọng và những bất đồng gay gắt về cách giảm bớt gánh nặng cho các nước nghèo.
Khi nói đến năng lực lãnh đạo, dường như khả năng này của Mỹ đang bị hạn chế bởi điều kiện cơ cấu sâu sắc: Đó là cảm giác tách biệt. Nước Mỹ dường như đang có xu hướng tách rời khỏi các vấn đề bên ngoài, và Mỹ cũng cảm thấy bị cô lập. May mắn về địa lý, Mỹ chưa bao giờ phụ thuộc nhiều vào thương mại với bên ngoài hoặc hàng hóa nước ngoài. Mối quan tâm của công chúng đối với sự tham gia của Mỹ ở nước ngoài -chính trị, quân sự hoặc kinh tế - còn hạn chế. Hơn một nửa số người Mỹ không có hộ chiếu. Chỉ một phần ba trong số họ có thể biết về Đài Loan trên bản đồ.
Về sức mạnh quân sự, việc phụ thuộc quá nhiều vào số lượng nhỏ các hệ thống cực kỳ đắt tiền và tinh vi của Mỹ dường như đã lỗi thời và vượt quá khả năng chi trả của ngay cả đối với nước này. Xung đột ở Ukraine đã khuyến khích Lầu Năm Góc đặt cược lớn – chẳng hạn như thành lập Sáng kiến Replicator, dự kiến sản xuất hàng loạt và trang bị hàng nghìn loại vũ khí sử dụng các công nghệ mới nổi.
Tóm lại, Giáo sư Zelikow kết luận, trên khắp phương Tây, giai đoạn khủng hoảng hiện nay đã làm nổi bật sự không phù hợp giữa các thể chế mà họ đang thực hiện. Các cuộc tranh luận công khai về lợi ích quốc gia phần lớn không liên quan đến các vấn đề thực tế. Do đó trong thời gian tới, chính phủ Mỹ và các đồng minh phải xem xét liệu các thể chế của họ - đặc biệt là các thể chế dân sự liên quan đến tài chính, thương mại, công nghệ và cứu trợ nhân đạo - có thực sự còn phù hợp hay không.