Vàng bắt nguồn từ đâu? 10.000 năm có một, vụ nổ sáng nhất mọi thời đại làm dấy lên bí ẩn mới về nguồn gốc của vàng trên Trái Đất
Các chuyên gia tính toán rằng vụ nổ mạnh như vậy chỉ xảy ra 10.000 năm một lần.
Trong vũ trụ tồn tại một dạng ánh sáng có khả năng xuyên qua mọi chất liệu và phá hủy mọi dạng sự sống. Loại ánh sáng này được phát hiện bởi nhà vật lý người Pháp Paul Villard. Trong quá trình nghiên cứu về các nguyên tố phóng xạ, ông tình cờ phát hiện ra một loại tia mới mạnh hơn cả tia X và đặt tên cho nó là tia gamma.
Tia gamma là một dạng sóng điện từ có bước sóng rất ngắn trong phổ điện từ. Tia gamma được tạo ra trong các quá trình phóng xạ hạt như phân rã hạt nhân, hạt alpha hoặc beta. Nó có khả năng xuyên qua nhiều loại vật liệu và gây ra các tác động ion hóa mạnh mẽ, gây hại cho các tế bào sống và có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như ung thư và tác động lên hệ thống thần kinh.
Tia gamma do con người tạo ra không phải là điều đáng lo ngại nhất. Trong vũ trụ, có một hiện tượng có thể tạo ra tia gamma mạnh hơn cả sức tưởng tượng của con người, đó là vụ nổ tia gamma.
Các vụ nổ tia gamma là các biến cố bức xạ điện từ mạnh nhất được ghi nhận trong vũ trụ, có thể phóng ra một lượng năng lượng lớn trong khoảng vài giây, lượng năng lượng này nhiều hơn rất nhiều so với năng lượng mà Mặt Trời có thể phóng ra trong suốt vòng đời. Việc khám phá tia gamma đã mở ra một cánh cửa mới cho nhân loại, cho phép chúng ta khám phá những điều bí ẩn sâu nhất của vũ trụ.
Vào tháng 10/2022, Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) của NASA đã xác nhận một vụ nổ tia gamma hiếm (GRB) có khả năng là vụ nổ tạo ra ánh sáng chói lóa nhất từ khi nền văn minh nhân loại bắt đầu. Nó đến từ một thiên hà xa xôi cách chúng ta 2,4 tỷ năm ánh sáng và phát ra ánh sáng có tần số khác nhau.
Vụ nổ GRB có tên gọi chính thức là GRB 221009A, được biết đến với biệt danh BOAT (viết tắt của từ "Brightest Of All Time"- sáng nhất mọi thời đại) khi các nhà khoa học phát hiện nó vào ngày 9/10/2022. Vụ nổ tia gamma này kéo dài trong 7 phút và sức mạnh của nó vượt quá quy mô bình thường khiến máy dò khó có thể chịu đựng được trong một thời gian.
Các kết quả đo sau đó cho thấy vụ nổ này sáng hơn 100 lần so với bất kỳ vụ nổ nào được ghi nhận trước đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng vụ nổ mạnh như vậy chỉ xảy ra 10.000 năm một lần.
GRB thường xảy ra sau những vụ nổ siêu tân tinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các quan sát của Kính viễn vọng không gian James Webb và Hubble vẫn chưa tìm được bằng chứng có thể xác nhận việc này.
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Peter Blanchard (Tanmoy Laskar) đến từ Đại học Northwestern ở Illinois, Mỹ, dự định dành nhiều thời gian hơn để điều tra các tàn tích siêu tân tinh khác. Ông nói với BBC: "Không nhất thiết phải có mối liên hệ trực tiếp giữa vụ nổ tia gamma này và các vụ nổ siêu tân tinh. Chúng có thể là hai quá trình độc lập."
Có một giả thuyết cho rằng các kim loại nặng như vàng, bạch kim, chì và uranium có thể đã được tạo ra trong những điều kiện khắc nghiệt của các vụ nổ siêu tân tinh. Những kim loại này được tìm thấy khắp thiên hà và được sử dụng trong việc hình thành các hành tinh. Đây là nguồn gốc trên lý thuyết của các kim loại được tìm thấy trên Trái Đất.
Nhưng các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của các nguyên tố nặng xung quanh vụ nổ này. Vậy lý thuyết này sai? Liệu các kim loại nặng có được tạo ra bằng phương pháp khác hay siêu tân tinh chỉ tạo ra các kim loại nặng trong những điều kiện nhất định?
Về vấn đề này, Tiến sĩ Blanchard chia sẻ: “Các nhà nghiên cứu cần xem xét lại tại sao các sự kiện như BOAT không tạo ra các kim loại nặng khi lý thuyết và mô phỏng dự đoán chúng sẽ như vậy”. Các nhà thiên văn học cũng hy vọng những quan sát trong tương lai sẽ mang đến câu trả lời cụ thể hơn đối với trường hợp của BOAT.
*Tham khảo: Aboluowang