Sống

Vệ tinh đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, chế tạo và sản xuất, tách khỏi tên lửa, bay vào quỹ đạo

Thùy Dung 06/02/2024 00:29

Đây là sự kiện đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, vệ tinh góp phần xác lập vị thế của Việt Nam ở tầm khu vực.

Vệ tinh đầu tiên do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo - vệ tinh MicroDragon đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon tại trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản) vào năm 2019. Đây là bước tiến quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia nằm trong top đầu của khu vực về công nghệ vệ tinh. MicroDragon đã được tách khỏi tên lửa đẩy ở độ cao 511km với vận tốc là 7,6 km/giây – theo thông báo của JAXA.

Là kết quả của quá trình vừa làm vừa học

MicroDragon là một sản phẩm nằm trong hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Hình ảnh vệ tinh MicroDragon được phóng vào không gian

Hình ảnh vệ tinh MicroDragon được phóng vào không gian

Nhiệm vụ chủ đạo của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. MicroDragon được thiết kế, chế tạo bởi 36 nghiên cứu viên khi đó đều ở lứa tuổi 30, là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sĩ công nghệ vệ tinh; đồng thời trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản.

Trong quá trình chế tạo vệ tinh, nhóm đã tự nghiên cứu, xác định mục đích hoạt động, nhiệm vụ của vệ tinh, thiết kế, thử nghiệm, tích hợp cũng như kiểm tra hoạt động của vệ tinh trước khi phóng lên quỹ đạo. Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, tiếp nối thành công của vệ tinh Pico Dragon (vệ tinh được phóng thành công tháng 9/2013), vệ tinh MicroDragon có kích thước 50x50x50cm, khối lượng khoảng 50kg. Khi được phóng lên quỹ đạo, MicroDragon đảm nhận chức năng quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển; thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất, sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên trái đất,…

Vệ tinh đảm nhận chức năng quan sát vùng biển ven bờ

Vệ tinh đảm nhận chức năng quan sát vùng biển ven bờ

“Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam”, PGS TS Phạm Anh Tuấn cho biết.

Viết tên Việt Nam lên bản đồ khoa học vũ trụ thế giới

MicoDragon là bước đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, vệ tinh góp phần xác lập vị thế của Việt Nam ở tầm khu vực, chính là kết quả đầu tiên của dự án đầu tư “khủng” nhất cho khoa học công nghệ tại thời điểm đó, 600 triệu USD.

Những khoản đầu tư khổng lồ này cùng những mục tiêu đầy khát vọng của dự án khiến không ít người không khỏi hoài nghi mục tiêu và khả năng vươn đến bầu trời người Việt Nam. Theo PGS, TS Phạm Anh Tuấn, các chuyên gia Nhật Bản đã tính toán, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,5% GDP về thiên tai, tương đương khoảng 3 tỷ USD.

Cận cảnh vệ tinh

Cận cảnh vệ tinh "Made in Việt Nam"

Nếu có ảnh vệ tinh, chúng ta có thể kịp thời báo chính xác bão, lũ, ngập ở đâu. Dù không chống toàn bộ nhưng giảm thiệt hại như sơ tán đúng, cảnh báo đúng . Mỗi năm chỉ cần giảm thiệt hại được 10% đã tăng tương đương 300 triệu USD. Đấy là chưa kể thiệt hại về người. “Đấy mới là một ví dụ cụ thể về hiệu quả kinh tế để cho thấy đầu tư vào vệ tinh không phải viển vông” – Ông Tuấn nhìn nhận. Đồng thời, hình ảnh vệ tinh có thể cho phép chúng ta phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần và trên vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Những thành công ban đầu trong việc phóng và vận hành vệ tinh MicroDragon trên quỹ đạo đã là động lực khích lệ đội ngũ cán bộ tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có thể phát triển và thực hiện được các công việc khó khăn hơn trong tương lai. Với một chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho nhiều năm về sau được định hướng từ Chính phủ, sự phát triển của công nghệ vũ trụ tại Việt Nam trong thời gian tới là một lĩnh vực hứa hẹn nhưng cũng đầy thử thách. Nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cùng với việc từng bước làm chủ công nghệ sẽ là những nhiệm vụ cốt lõi trong thời gian tới của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thực hiện giấc mơ sản xuất vệ tinh “Made in Vietnam”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ vũ trụ thế giới.

>> Trung Quốc hoàn tất xây dựng bệ phóng số 1 tại trung tâm phóng tàu vũ trụ thương mại đầu tiên

Bản đồ vũ trụ lớn và chi tiết nhất từ trước đến nay với hơn 900.000 ngôi sao, thiên hà và các hố đen

Cầu đường cao tốc 25.000 tấn có hệ thống vòng xoay nằm ở độ cao hơn 30m, xoay vào vị trí nhờ định vị vệ tinh

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ve-tinh-dau-tien-do-nguoi-viet-nam-thiet-ke-che-tao-va-san-xuat-tach-khoi-ten-lua-bay-vao-quy-dao-d115012.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vệ tinh đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, chế tạo và sản xuất, tách khỏi tên lửa, bay vào quỹ đạo
    POWERED BY ONECMS & INTECH