Vị hoàng hậu duy nhất của nền phong kiến Việt Nam trực tiếp cầm quân đánh giặc

13-03-2024 23:02|Thùy Dung

Tiếp bước Bà Trưng, Bà Triệu, bà là một điển hình tiêu biểu cho bản sắc Việt Nam nói chung, bản sắc người phụ nữ nói riêng.

Sát cánh cùng chồng đánh đuổi quân Đường

Theo sách "Những Phi - Hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam" và theo thần tích của đình làng Hòa Mục ở Cầu Giấy, Hà Nội (nơi hoàng hậu Phạm Thị Uyển cùng 2 người em của mình là Phạm Miện và Phạm Huy được phong là thành hoàng làng), Phạm Thị Uyển quê ở trang Thọ Xương, quận Nam Xương (nay thuộc nội thành Hà Nội), cha là Phạm Huyên còn gọi là Phạm Khuyên, hiệu Minh Dực, mẹ là Phùng Thị Thảo, hiệu Diệu Hoa và là em gái của Phùng Hạp Khanh (cha của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người xứ Đường Lâm, nay thuộc Sơn Tây, Hà Nội).

Gia đình ông Phạm Huyên giàu có, sống nhân đức, ưa làm việc thiện, nhưng chỉ hiềm một nỗi mãi chưa có con. Hai vợ chồng ngày đêm lễ bái cầu xin trời Phật rủ lòng thương ban cho mụn con. Truyền rằng, một đêm, họ cùng nằm mộng thấy một vị thần mặc giáp sắt, đội mũ đồng, lưng đeo đai sắt, chân đi giày sắt, tay cầm long bài, quỳ trước sân mà nói rằng: Lòng thành của vợ chồng người đã thấu đến thiên đình, ta vâng lệnh báo cho biết, Ngọc Hoàng Thượng đế có sắc xuống cõi Nam, ban cho một gái, hai trai để giúp dân, giúp nước.

Nói xong vị thần biến mất. Tỉnh dậy hai vợ chồng đều ngạc nhiên, vui mừng. Từ đấy bà Phùng mang thai, một năm sau thì trở dạ sinh ba: một gái hai trai. Người con gái cả được đặt tên là Phạm Thị Uyển, hai người con trai tên là Phạm Huy và Phạm Miện. Khi họ lớn lên, con gái mắt phượng, mày ngài, nổi tiếng xinh đẹp, nết na, có tài võ nghệ; 2 con trai khôi ngôi, tuấn tú, giỏi cung kiếm, sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng.

Bấy giờ, đất nước ta đang bị nhà Đường đô hộ. Căm phẫn trước chính sách bóc lột tàn bạo của kẻ thù, năm Quý Sửu (713) sau khi đã tổ chức được lực lượng, xây dựng được căn cứ, Mai Thúc Loan phát động cuộc khởi nghĩa ở Nam Đàn (Nghệ An). Quân khởi nghĩa nhanh chóng chiếm được Hoan Châu.

Bà Phạm Thị Uyển xông pha cùng chồng đánh đuổi giặc Đường

Bà Phạm Thị Uyển xông pha cùng chồng đánh đuổi giặc Đường

Mai Thúc Loan đã tập hợp được quân dân 32 châu để cùng đánh giặc. Không những thế ông còn vận động đoàn kết nhân dân các nước láng giềng để có thêm lực lượng chống nhà Đường. Sau khi lực lượng lớn mạnh, Mai Thúc Loan từ Hoan Châu tiến quân ra Bắc, đánh vào phủ thành đô hộ của giặc là Tống Bình - Hà Nội ngày nay. Quân giặc đại bại, tên quan đô hộ Quan Sở Khách chạy trốn về nước. Quân khởi nghĩa thu lại toàn Giao Châu.

Sách “Việt giám thông khảo tổng luận” thời Hậu Lê miêu tả rằng: “Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt”.

Tương truyền, vì mến phục tài năng của Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh đã gả cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển cho ông, lúc đó Phạm Thị Uyển 18 tuổi. Sau khi về nhà chồng, Phạm Thị Uyển cùng chồng là Hắc Đế Mai Thúc Loan chung vai gánh vác sự nghiệp. Vốn là người có chí khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận việc cơ mật với Mai Thúc Loan. Dưới sự lãnh đạo của Mai Thúc Loan, đất nước giữ được nền độc lập trong 10 năm.

Tuy nhiên, quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Bởi vậy, năm 722 nhà Đường lại sai Dương Tư Húc mang quân sang đánh. Quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Mai Hắc Đế phải đương đầu với đội quân mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Trong thời gian này hoàng hậu Phạm Thị Uyển luôn sát cánh cùng chồng trong các trận chiến. Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, là người giỏi thủy chiến, bà dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên sông Tô Lịch là mặt án ngữ phía Tây của thành Đại La lúc bấy giờ.

Thế giặc mạnh làm cho đội quân gồm những nông dân khởi nghĩa phải lui dần. Qua nhiều trận đánh, vì yếu thế, Mai Hắc Đế rút hết quân về Hoan Châu. Phạm Thị Uyển tình nguyện ở lại chặn giặc. Là người giỏi thủy chiến, Phạm Thị Uyển đem binh thuyền bày trận trên sông Tô Lịch. Chiến đấu dũng cảm, nhưng do chênh lệch lực lượng nên quân của bà tan vỡ. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, Phạm Thị Uyển cùng số ít binh tướng còn lại nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn vào ngày rằm tháng 7 năm Nhâm Tuất (722).

Nữ anh hùng ngàn đời sau vẫn được tôn thờ

Sau khi tự vẫn, thi thể của bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục, Cầu Giấy, Hà Nội) thì được nhân dân vớt lên chôn cất rồi lập đền thờ, phụng tôn là Ả Đại Nương. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch, đoạn gần cầu Trung Hòa.

Đền Dục Anh - nơi thờ bà hoàng hậu Phạm Thị Uyển

Đền Dục Anh - nơi thờ bà hoàng hậu Phạm Thị Uyển

Theo nhà nghiên cứu Phạm Thị Thuý Lan, tại đền Dục Anh có nhiều điểm rất đặc biệt. Đây là nơi duy nhất có mộ Ả Đại Nương ngay trong nội đền, ngay dưới ban thờ bà. Đền Dục Anh cũng là nơi có bức tượng bà được giới mỹ thuật đánh giá là bức tượng phụ nữ đẹp nhất ở nước ta.

Sử cũ còn chép lại rằng, 7 thế kỷ sau, vào thời nghĩa quân Lam Sơn tổng công kích quân Minh, một lần Lê Lợi nghỉ đêm ở miếu Dục Anh được thần báo mộng sẽ âm phù cho quân khởi nghĩa diệt giặc. Vì vậy, sau này khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc phong cho bà là Khiêm Sung Đại Vương.

Đền thờ hoàng hậu tại đền Dục Anh

Đền thờ hoàng hậu tại đền Dục Anh

Hơn ngàn năm qua, nhân dân vẫn kính cẩn thờ tự người nữ anh hùng. Cùng với hai người em là Phạm Miện và Phạm Huy, bà được người dân làng Hòa Mục tôn làm thành hoàng. Trong tâm trí người dân, vị hoàng hậu dũng cảm đã là một vị thành hoàng che chở cho dân làng từ lâu. Hàng năm dân làng vẫn tổ chức lễ hội tưởng nhớ vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch là ngày giỗ Bà.

Tiếp bước Bà Trưng, Bà Triệu, hoàng hậu Phạm Thị Uyển là một điển hình tiêu biểu cho bản sắc Việt Nam nói chung, bản sắc người phụ nữ nói riêng. Là hoàng hậu “mẫu nghi thiên hạ” nhưng bà cũng là một dũng tướng dám anh dũng hi sinh ngay giữa trận tiền để bảo vệ đất nước.

>> Thân thế mỹ nhân Việt nhận hồi môn 20.000 lượng vàng từ ông ngoại giàu đình đám trong lịch sử, sát cánh vua triều Nguyễn, 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương

Người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam là 'hoàng hậu hai triều'

Vị công chúa đầu tiên của Việt Nam trở thành hoàng hậu ở nước ngoài nhưng xuất giá đi tu chỉ sau 1 năm, sau khi qua đời được dân tôn là Thần Mẫu

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/hoang-hau-duy-nhat-cua-nen-phong-kien-viet-nam-truc-tiep-cam-quan-danh-giac-d117900.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị hoàng hậu duy nhất của nền phong kiến Việt Nam trực tiếp cầm quân đánh giặc
    POWERED BY ONECMS & INTECH