Xã hội

Vì sao shipper trở thành 'bao cát' trút giận của khách hàng: Chuyên gia chỉ ra tác nhân văn hóa và môi trường ở thành phố lớn

Minh Phát 16/02/2025 07:00

Thời gian qua, hàng loạt vụ hành hung tài xế công nghệ và shipper xảy ra trên cả nước, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những tài xế này ngày càng dễ trở thành nạn nhân trong các vụ xô xát nơi công cộng?

Liên tiếp xảy ra những vụ việc gây phẫn nộ trong xã hội

Trong vòng một tháng trở lại đây, hàng loạt vụ hành hung tài xế công nghệ, shipper xảy ra trên cả nước, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Gần đây nhất vào tối ngày 10/2, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nam shipper bị tài xế lái xe Lexus hành hung dã man sau va chạm giao thông tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội). Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy, tài xế giao hàng này bị đối phương liên tục đánh, đấm vào mặt, thậm chí còn bị lấy mũ bảo hiểm để tấn công.

Nạn nhân được xác định là anh L.X.H. (31 tuổi, quê Thanh Hóa), người này từng bị tai nạn lao động dẫn đến thương tật ở tay, suy giảm khả năng lao động và hạn chế khả năng tự vệ. Sau khi đoạn clip được lan truyền rộng rãi, nhiều người tỏ ra vô cùng bức xúc trước hành vi bạo lực này.

Vì sao shipper trở thành 'bao cát' trút giận của khách hàng: Chuyên gia chỉ ra tác nhân văn hóa và môi trường ở thành phố lớn - ảnh 1
Nam shipper bị tài xế lái xe lexus hành hung dã man sau va chạm giao thông tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh cắt từ video

Vụ việc này khiến anh Chu Tuấn Anh, một shipper tại Hà Nội không khỏi lo lắng. Theo anh Tuấn Anh, nhiều người vẫn cho rằng công việc giao hàng khá đơn giản, không áp lực doanh số, thời gian linh hoạt, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Tuy nhiên, chỉ những người thực sự gắn bó với nghề mới hiểu hết những khó khăn và nguy hiểm mà họ phải đối mặt.

“Mỗi ngày chạy từ 10 đến 12 tiếng liên tục trên đường mới kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Dù nắng cháy da, mưa rát mặt hay rét đậm như những ngày vừa qua, chúng tôi vẫn phải cố gắng làm việc, vì chỉ cần nghỉ một ngày là một không có thu nhập.

Di chuyển trên đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Hơn ba năm làm shipper, tôi từng bị ngã xe hai lần, còn những va chạm nhỏ thì không thể đếm hết. Lưu lượng phương tiện đông đúc khiến chuyện va chạm khó tránh khỏi. Đặc biệt, những hôm chạy ca đêm, đường vắng, vừa làm vừa thấp thỏm bị cướp giật", anh Tuấn Anh trải lòng.

Vì sao shipper trở thành 'bao cát' trút giận của khách hàng: Chuyên gia chỉ ra tác nhân văn hóa và môi trường ở thành phố lớn - ảnh 2
Đặc thù của nghề shipper phải đối mặt với nhiều vất vả và nguy hiểm luôn rình rập. Ảnh minh họa

Shipper Nguyễn Tiến Đạt cũng chia sẻ những nguy hiểm mà chỉ người trong nghề mới thấu hiểu. “Nhiều lần giao hàng, tôi gọi khách bốn, năm cuộc nhưng không ai trả lời. Khi hàng bị lỗi hoặc hư hỏng do người bán, shipper lại là người chịu trận.

Tôi cũng gặp không ít khách hàng khó tính. Khi nhận hàng không như mong muốn, họ lập tức đổ lỗi cho shipper, thậm chí mắng nhiếc, chửi bới, đe dọa. Có người còn vào ứng dụng đánh giá một sao, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và thu nhập của tài xế”.

Anh Đạt dẫn chứng hàng loạt vụ việc tài xế công nghệ và shipper trở thành "bao cát" trút giận của khách hàng. Đơn cử, vào rạng sáng 9/2 tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), một nữ tài xế xe ôm công nghệ bị khách hành hung. Nạn nhân là chị T.N.H.N. (31 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn).

Chị N. nhận chuyến xe chở một nữ hành khách từ quán karaoke trên đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Nguyễn Thị Thảnh. Khi đang di chuyển, khách yêu cầu chị rẽ vào tuyến đường khác để mua đồ nhưng chị từ chối vì lo ngại sai định vị có thể khiến ứng dụng khóa tài khoản. Đến nơi, nữ hành khách bất ngờ dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu, cổ và lưng của chị N., khiến chị phải bỏ xe chạy thoát thân.

Vì sao shipper trở thành 'bao cát' trút giận của khách hàng: Chuyên gia chỉ ra tác nhân văn hóa và môi trường ở thành phố lớn - ảnh 3
Hiện trường vụ nữ tài xế công nghệ bị hành hung tại Hóc Môn hôm 9/2. Ảnh: Thanh Niên

Tương tự, vào tối 31/1 (mùng 3 Tết), anh N.M.N. (25 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cũng bị hành hung khi đang trên đường đón khách. Khi đi qua đường Trần Văn Giàu, anh bị một nhóm người ép xe, chửi bới và tấn công ngay giữa đường. Theo lời kể, nhóm này có dấu hiệu không tỉnh táo, nghi đã sử dụng bia rượu.

Thương tâm nhất là vụ việc xảy ra tại Đà Nẵng vào ngày 17/1, khi shipper Trần Thành bị đánh hội đồng dẫn đến tử vong. Anh Thành là nhân viên của một công ty giao hàng, đến giao đơn tại thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước. Do người nhận không có mặt, anh bàn giao hàng cho người thân của khách. Tuy nhiên, sau nhiều lần hẹn, khách vẫn chưa thanh toán.

Tối cùng ngày, đơn hàng mới được thanh toán nhưng khách lại đánh giá xấu đơn hàng trên ứng dụng, khiến anh Thành bị phạt 500.000 đồng. Đến khoảng 22h, anh tìm đến nhà khách để làm rõ sự việc thì bị một nhóm người đánh hội đồng. Dù cố gắng tự chạy xe về nhà, anh không qua khỏi và tử vong vào lúc 0h15 ngày 18/1. Công an huyện Hòa Vang sau đó đã khởi tố vụ án, bắt giữ ba bị can liên quan.

Vì sao shipper trở thành 'bao cát' trút giận của khách hàng: Chuyên gia chỉ ra tác nhân văn hóa và môi trường ở thành phố lớn - ảnh 4
Công an khởi tố 3 bị can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng. Ảnh: Dân Trí

Anh Nguyễn Tiến Đạt tâm sự thêm: “Nghề này bạc lắm, tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Chúng tôi làm việc theo hợp đồng đối tác, không ký hợp đồng lao động nên không được hưởng bảo hiểm hay các chế độ an toàn lao động. Vì vậy, khi rủi ro xảy ra, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là tài xế”.

Cần làm gì để ngăn thói ứng xử côn đồ với tài xế?

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã phân tích một số nguyên nhân khiến tài xế công nghệ và shipper trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực nơi công cộng trong thời gian qua.

Ông Đức cho rằng: “Dường như, một bộ phận trong xã hội đang có cái nhìn thiếu tôn trọng đối với những người làm nghề tài xế công nghệ, coi họ ở tầm lớp thấp nên khi có va chạm xảy ra thường ứng xử kém văn minh, đánh đập, xúc phạm. Thậm chí, có nhiều trường hợp còn lăng mạ tài xế một cách vô cớ như thể tìm chỗ trút giận”.

Theo phân tích của PGS. TS Lê Quý Đức, hầu hết các vụ việc đều xảy ra ở các thành phố lớn, nơi áp lực về thời gian và không gian di chuyển giữa môi trường ô nhiễm, khói bụi là rất lớn. Những tác nhân này dễ tạo ra tâm lý căng thẳng, bức bối cho người tham gia giao thông, khiến chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến xung đột.

Bên cạnh đó, với nhiều người, phương tiện giao thông không chỉ là công cụ đi lại mà còn là tài sản quan trọng, thậm chí là một phần mở rộng của bản thân. Do đó, bất kỳ va chạm nào cũng có thể bị coi là sự xúc phạm cá nhân, dễ dẫn đến phản ứng gay gắt, mất kiểm soát.

Hơn nữa, đặc thù công việc của tài xế công nghệ đòi hỏi họ phải di chuyển liên tục, chạy đua với thời gian để kịp đón trả khách hoặc giao hàng đúng hẹn. Việc chở hàng cồng kềnh cũng làm gia tăng nguy cơ va chạm với các phương tiện khác. Khi xảy ra va chạm, một số tài xế không kiềm chế được cảm xúc, có cách hành xử thiếu tinh tế, dẫn đến cãi vã và xô xát.

Vì sao shipper trở thành 'bao cát' trút giận của khách hàng: Chuyên gia chỉ ra tác nhân văn hóa và môi trường ở thành phố lớn - ảnh 5
PGS. TS Lê Quý Đức đã phân tích một số nguyên nhân khiến tài xế công nghệ và shipper trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực nơi công cộng trong thời gian qua

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ra một số những biện pháp để có thể giảm thiểu tối đa những vụ việc liên quan đến thói hành xử côn đồ với tài xế công nghệ, shipper.

"Câu chuyện này gần như tương đồng với bài toán xây dựng văn hóa giao thông. Những tài xế công nghệ, shipper hay bất kỳ ai di chuyển trên đường đều cần thượng tôn pháp luật, ứng xử văn minh khi xảy ra va chạm. Chính sự bình tĩnh, thái độ hòa nhã, hợp tác giữa các bên sẽ biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không", PGS. TS Lê Quý Đức chia sẻ.

Theo ông Đức, để xây dựng một cộng đồng giao thông văn minh, cần đẩy mạnh công tác giáo dục và tuyên truyền trong toàn xã hội. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi côn đồ, bạo lực khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo tính răn đe, tạo môi trường giao thông an toàn hơn.

Bên cạnh đó, các đơn vị chủ quản của tài xế và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng giao thông công nghệ cần tăng cường công tác quản lý, tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ năng ứng xử với khách hàng, cũng như kỹ năng xử lý va chạm giao thông nhằm giúp tài xế giải quyết tình huống một cách văn minh. Quá trình xây dựng văn hóa ứng xử này có thể kéo dài và đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, nhưng nếu mỗi cá nhân có ý thức tự hoàn thiện bản thân và nỗ lực thay đổi thì tình trạng này nhanh chóng sẽ được cải thiện rõ rệt.

>> Vụ tài xế Lexus hành hung ở Hà Nội: Nam shipper bị chấn động não

Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự tài xế ô tô Lexus đánh nam shipper

Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm vụ nam shipper bị tài xế ô tô Lexus hành hung

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/vi-sao-shipper-tro-thanh-bao-cat-trut-gian-cua-khach-hang-chuyen-gia-chi-ra-tac-nhan-van-hoa-va-moi-truong-o-thanh-pho-lon-136809.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao shipper trở thành 'bao cát' trút giận của khách hàng: Chuyên gia chỉ ra tác nhân văn hóa và môi trường ở thành phố lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH