Tài sản của CEO Tesla chỉ còn cách người đứng đầu chưa đến 10 tỷ USD, trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường xe điện ngày càng tăng cao.
Trước đó, vào ngày 7/12/2022, Forbes công bố Elon Musk bị mất vị trí người giàu nhất thế giới vào tay Bernard Arnault. Giám đốc điều hành công ty mẹ của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton, LVMH. Thời điểm đó, Musk có tài sản ròng trị giá 185,3 tỷ USD, trong khi tài sản cá nhân của ông Arnault là 185,4 tỷ USD.
Doanh thu Tesla sẽ giúp “ông chủ” giành lại ngôi vương
Theo Bloomberg, Elon Musk đang tiến gần đến việc giành lại danh hiệu người giàu nhất thế giới từ tay ông chủ đế chế thời trang xa xỉ LVMH, Bernard Arnault nhờ mức tăng 70% của Tesla trong năm nay.
Tuy nhiên, có thể mất thêm thời gian để ông trở lại đứng đầu danh sách tỷ phú toàn cầu. Hôm 14/2, một nguồn tin tiết lộ Musk quyên góp 11,6 triệu cổ phiếu Tesla, trị giá khoảng 1,9 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện trong thời gian từ tháng 8-12 năm rồi.
Sau lần quyên góp gần nhất, khối tài sản của tỷ phú 51 tuổi còn giá trị khoảng 184 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Con số này ít hơn so với đỉnh điểm 300 tỷ USD vào cuối năm 2021, thời điểm trước khi ông bắt đầu thu gom cổ phiếu Twitter sau đó đưa ra quyết định thâu tóm gây nhiều tranh cãi.
Từ đầu năm nay, những tín hiệu lạc quan trên thị trường xe điện đã giúp cổ phiếu Tesla tăng vọt, nhờ đó, Elon Musk có thêm 50 tỷ USD.
Elon Musk là CEO và cổ đông cá nhân lớn nhất của Tesla. Ông từng dùng cổ phiếu của công ty để quyên góp từ thiện với giá trị khoảng 5,7 tỷ USD vào năm 2021. Đó là một trong những khoản tiền từ thiện lớn nhất trong lịch sử.
Những “ý tưởng điên rồ” nào đã đưa Elon Musk trở thành tỷ phú?
Mới 12 tuổi đã sáng tạo ra trò chơi điện tử và bán được 500 đô
Elon Musk sinh ngày 28/ 6/1971 ở Pretoria, Nam Phi. Cha của ông là người Nam Phi, còn mẹ của ông là người Canada. Elon là con trai của bà Maye Musk là một người mẫu danh tiếng và chuyên gia dinh dưỡng sinh ra tại Canada, lớn lên tại Nam Phi.Cha ông là Errol Musk, một kỹ sư cơ điện, phi công và thủy thủ người Nam Phi.
Sau khi cha mẹ ly hôn vào năm 1980, Elon Musk chuyển đến ở với cha và đã phải lớn lên trong một môi trường không tốt vì cha không quan tâm và ông còn bị bắt nạt tại trường học.
Tuổi thơ không mấy vui vẻ cũng không ngăn được niềm say mê học tập và nghiên cứu của Elon Musk. Bộ sách yêu thích của ông lúc bấy giờ là Foundation của Isaac Asimov, bộ sách có nội dung viết về nhân loại khi đứng trước ngã tư đường và phải quyết định cho mình một lối đi. Trong câu chuyện, một người đàn ông đã cố gắng cứu thế giới khỏi sự ngu dốt và chiến tranh bằng cách tự tạo ra một vũ trụ mới.
Vào năm 12 tuổi, ông đã tạo ra một trò chơi điện tử. Ông đã bán mã nguồn của video game dựa trên BASIC tạo ra Blastar cho tạp chí PC and Office Technology với giá 500 đô la.
Giấc mơ Mỹ và bỏ học Stanford chỉ sau 2 ngày
Tháng 6/1989, nhờ sự bảo lãnh của mẹ, năm 18 tuổi Elon Musk rời Nam Phi đến sống ở Canada. Mẹ của Elon là bà Maye, có họ hàng sống ở nhiều nơi trên khắp Canada, và Elon bắt đầu làm đi thăm họ hàng ở khắp Canada và làm nhiều việc để kiếm sống. Ông từng làm việc trong lò đốt của nhà máy chế biến gỗ với mức lương 18 USD/giờ.
Năm 1990, Elon Musk theo học tại Queen’s University ở Kingston, Ontario. Năm 1992, ông quyết định sẽ hoàn tất chương trình đại học của mình tại một trường đại học danh tiếng Mỹ - Pennsylvania. Elon tin rằng điều này sẽ tạo bước đà để ông có một công việc tốt ở Mỹ và cũng là cánh cửa để thử sức trong ngành công nghiệp Mỹ. Hai năm sau, ông lấy được hai bằng cử nhân gồm chuyên ngành khoa học vật lý, bằng thứ hai kinh tế học.
Năm 1995, ông có ý định tập trung vào nghiên cứu ở lĩnh vực vật lý năng lượng và chuyển đến Đại học Stanford, bang California để lấy bằng tiến sĩ vật lý và khoa học vật liệu ứng dụng. Nhưng chỉ sau có hai ngày tham gia khóa học, ông đã từ bỏ. Nguyên nhân là do ông nhận ra rằng sự bùng nổ của Internet trong tương lai sẽ có tác động sâu sắc đến xã hội hơn bất cứ một hoạt động nghiên cứu vật lý nào.
Khởi nghiệp tuổi 24 thành công với Zip2, thu về 307 triệu đô la
Đến năm 1995, ông sáng lập Zip2, một công ty cung cấp bản đồ và danh mục các doanh nghiệp cho các tờ báo trực tuyến. Năm 1999, Zip2 đã được mua lại bởi công ty sản xuất máy vi tính Compaq ở mức giá 307 triệu đô la.
Elon tiếp đến đã sử dụng số tiền bán Zip2 để thành lập một ứng dụng tài chính trực tuyến tên là X.com, tiền thân của Paypal, chuyên về hoạt động nhận và gửi tiền online. Sàn đấu giá trực tuyến Ebay sau đó đã mua lại Paypal với mức giá 1,5 tỷ đô vào năm 2002.
Giấc mơ vũ trụ điên rồ với SpaceX
Từ lâu, Elon Musk đã luôn có một suy nghĩ trong đầu là nếu muốn sự sống có thể tồn tại lâu dài, loài người phải tiến lên trở thành một giống loài đa hành tinh. Với suy nghĩ như vậy, ông đã nhanh chóng bị thất vọng trước sự đắt đỏ của những con tàu vũ trụ. Năm 2002, ông đã thành lập SpaceX nhằm giải quyết khúc mắt này.
Hai tên lửa đầu tiên của SpaceX là Falcon 1 (phóng vào năm 2006) và Falcon 2 (phòng vào năm 2010) đã được thiết kế với mức giá rẻ hơn nhiều so với bất cứ đối thủ nào khác. Tên lửa thứ ba, tên Falcon Heavy, đã được phóng lần đầu vào năm 2018. Tên lửa này có khả năng mang 53.000 kg lên quỹ đạo, gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất lúc bấy giờ là tên lửa Delta IV Heavy của hãng Boeing với mức chi phí chỉ bằng một phần ba.
Mục tiêu của Elon Musk là tối thiểu hóa chi phí trong việc du hành không gian thông qua việc thiết kế các tên lửa có thể được tái sử dụng. Các tên lửa này sẽ được phóng lên sau đó sẽ trở lại bệ phóng nơi mà nó xuất phát. Kể từ năm 2012, tên lửa Grasshopper của SpaceX đã thực hiện vô số các chuyến bay nhằm thử nghiệm tính khả thi của kỹ thuật này.
Không chỉ là CEO của tập đoàn, Elon Musk cũng đảm nhiệm vị trí kỹ sư trưởng trong việc thiết kế các tên lửa Falcon, Dragon và Grasshopper. Vào cuối năm 2020, SpaceX đã cho khởi động dự án Starlink. Dự án này hứa hẹn sẽ đem Internet tốc độ cao, chi phí thấp đến mọi nơi trên thế giới.
Theo đuổi giấc mơ xe điện cùng Tesla
Bên cạnh khát khao chinh phục không gian, Elon Musk cũng luôn hứng thú với tiềm năng của những chiếc xe hơi chạy bằng điện. Năm 2004, ông đã trở thành một trong những nhà tài trợ chính của Tesla Motors (sau này đổi thành Tesla). Đây là một công ty được sáng lập bởi 2 doanh nhân là Martin Eberhard and Marc Tarpenning.
Vào năm 2006, Tesla giới thiệu sản phẩm xe đầu tiên của mình, chiếc Roadster. Dòng xe này có khả năng đi được 394 km chỉ với một lần sạc. Khác với những dòng xe điện đã ra mắt trước đó, vốn bị Elon cho là chậm chạp và nhàm chán, Roadster là một chiếc xe thể thao thực thụ với khả năng tăng tốc từ 0 lên 97 km/h chỉ trong 4 giây.
Năm 2010, trong lần phát hành cổ phiếu công khai lần đầu, Tesla đã thu về hơn 226 triệu đô la.
Hai năm sau đó, công ty cho ra mắt dòng xe Model S sedan. Dòng xe này đã được giới phê bình xe hơi đánh giá cao về cả hiệu xuất lẫn thiết kế. Tesla tiếp tục nhận được sự tung hô sau khi đưa dòng xe Model X luxury SUV ra thị trường vào năm 2015. Một dòng xe giá rẻ, với tên gọi Model 3, cũng đã được công ty đưa vào sản xuất trong năm 2017.
Cho đến đầu năm 2022, Tesla hiện vẫn chỉ bán 4 dòng xe kể trên. Nhưng trong năm 2022 này, chúng ta có thể chứng kiến sự ra mắt của chiếc Tesla Cybertruck, một sự kiện đã bị trì hoãn trong năm 2021.
Ngoài ra, Tesla còn dự định sẽ cho ra mắt một mẫu xe bán tải và một mẫu siêu xe vào năm 2023.