Người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là 'ông Phật làm súng': Từ bỏ lương 22 lạng vàng để làm việc đại nghĩa, có những phát minh làm lay chuyển cục diện đất nước

06-03-2024 15:48|Quỳnh Như

Ông là tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế tạo vũ khí với những sản phẩm nổi tiếng như đạn Bazooka, súng SKZ, bom bay...

Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trước khi từ giã cõi đời, cha ông căn dặn người thân phải cố gắng cho ông ăn học đến nơi đến chốn để giúp nhà và giúp đời.

Chân dung Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu
Chân dung Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu

Chị gái của ông đã phải bỏ học để cùng mẹ làm lụng nuôi Phạm Quang Lễ được đến trường. Ông lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và chị gái. Với tư chất thông minh vượt trội, sau khi kết thúc Đệ nhất cấp trường tỉnh Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn theo học Trường Trung học Pétrus Ký nổi tiếng, bây giờ là Trường THPT Lê Hồng Phong.

Giữa năm 1933, ông thi đỗ đầu hai bằng Tú tài của cả Việt và Pháp. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền ra Hà Nội để học tiếp, Phạm Quang Lễ quyết định đi làm để giúp mẹ, giúp chị và nuôi chí chờ thời cơ.

Năm 1935 là một bước ngoặt đối với người thanh niên Phạm Quang Lễ, ông được cấp học bổng xuất dương du học. Khi được học bổng sang Pháp học, Phạm Quang Lễ quyết tâm chạy đua với thời gian. Với tất cả sự nỗ lực học tập, ông đã nhận 3 bằng Đại học cùng lúc (kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán). Sau đó, ông lấy tiếp bằng kỹ sư hàng không.

Ông cũng dành thời gian sang Đức nghiên cứu về chế tạo máy bay và nghiên cứu về vũ khí, rồi quay về Pháp làm kỹ sư trưởng cho Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord. Có bao nhiêu tiền dành dụm, ông đều mua sách liên quan đến vũ khí, nghiên cứu ngày đêm, chờ cơ hội về giúp nước. Điều mà ông luôn nung nấu là Việt Nam có truyền thống đánh giặc nhưng lại thiếu vũ khí hiện đại.

Và cuộc gặp gỡ giữa ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris đã trở thành cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cuộc sống của Phạm Quang Lễ.

chu-tich-ho-chi-minh-va-gstran-dai-nghia-thang-4-nam-1960anh-tu-lieu.jpg
Bác Hồ làm việc với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu

Ngày 19/9/1946, ông về nước cùng Bác trên chiến hạm Dumont d’Urville từ cảng Toulon và mang theo 1 tấn tài liệu được đóng hòm dán nhãn “ngoại giao”. Trong hồi ký "Trở về Tổ quốc kính yêu", tác giả Thành Đức dẫn lại trong sách, ông đã chia sẻ những gửi gắm của mình với bạn bè ở Paris. Trước khi theo Bác trở về Tổ quốc, ông được hưởng mức lương của kỹ sư trưởng là 5.500 franc/tháng, tương đương với 22 lạng vàng.

Cùng năm đó, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gay go, ác liệt, ông được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”

Giáo sư Trần Đại Nghĩa (đeo kính) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) tại Triển lãm vũ khí của ngành quân giới năm 1950. Ảnh tư liệu K.M.S
Giáo sư Trần Đại Nghĩa (đeo kính) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) tại Triển lãm vũ khí của ngành quân giới năm 1950. Ảnh tư liệu K.M.S

Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng Giáo sư Trần Đại Nghĩa cùng các đồng nghiệp của mình đã chế tạo thành công súng và đạn bazooka, súng đại bác không giật (SKZ) là những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới. Đây là một kỳ tích phi thường của quân và dân ta. Khen ngợi những chiến công của bazooka ở chùa Trầm, thấy kỹ sư Trần Đại Nghĩa là người hiền lành, ít nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi ông là “ông Phật làm súng”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, huyền thoại về ông một lần nữa được viết tiếp khi ông trở thành người hỗ trợ về tinh thần cho những phát minh về quân giới cho đến ngày đất nước giành độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Giáo sư, ta đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí trang bị bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm, sau này phát triển thành thủ pháo dù cho đặc công đánh sâu trong lòng địch, đặc biệt là cải tiến ĐKB-H12 theo công nghệ của ta từ viện trợ của Liên Xô trước đây.

Súng bazooka Cục Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1947, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh tư liệu
Súng bazooka Cục Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1947, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh tư liệu

Ngày 30/4/1975, ông lặng lẽ ghi vào sổ tay dòng chữ: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành”. Đó là nhiệm vụ cứu nước thiêng liêng mà ông từng ấp ủ từ thuở thiếu thời.

Ông được phong tướng vào năm 1948 và giữ nhiều chức vụ như Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Sau khi chuyển khỏi quân đội, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam... Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của Liên Xô (trước đây).

Ông đã được Đảng, Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954.

Ông là một trong bảy "Anh hùng" đầu tiên được phong vào năm 1952, cùng với Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… Ông cũng là vị tướng đầu tiên được phong "Anh hùng".

Trần Đại Nghĩa là một vị tướng, một nhà khoa học chân chính, suốt đời đau đáu học hành để có thể làm ra vũ khí hiện đại đánh bại thực dân, đế quốc xâm lược hùng mạnh. Ông sẵn sàng từ bỏ mức lương cao, tương đương với 22 lượng vàng một tháng lúc bấy giờ, để đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, để giành được tự do độc lập, đất nước phát triển vững bền.

>> Vị nữ tướng duy nhất của Quân đội Cách mạng Việt Nam được Bác Hồ ca ngợi 'cả thế giới chỉ nước ta có', là nữ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam

'Chiến thần' đất Việt chưa bao giờ nếm mùi thất bại, làm rể vị tướng quân vĩ đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Ông chủ chuỗi tiệm vàng nức tiếng miền Bắc thành danh từ con trai người bán ốc luộc, cả gia đình 5 anh, chị em ruột đều là 'trùm' buôn vàng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-duoc-dai-tuong-vo-nguyen-giap-goi-la-ong-phat-lam-sung-tu-bo-luong-22-lang-vang-de-lam-viec-dai-nghia-co-nhung-phat-minh-lam-lay-chuyen-cuc-dien-dat-nuoc-d117428.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là 'ông Phật làm súng': Từ bỏ lương 22 lạng vàng để làm việc đại nghĩa, có những phát minh làm lay chuyển cục diện đất nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH