Kiến thức

Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mỗi năm, báo động xu hướng gia tăng ở người trẻ: Cứu chậm 1 phút, mất 2 triệu tế bào não

Đại Dương 27/07/2024 19:01

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe.

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não, đây là tình trạng tổn thương nghiêm trọng của não do quá trình cung cấp máu đến não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, dẫn đến việc thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết để nuôi các tế bào não.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong tình trạng nếu không được tái tưới máu kịp thời, cứ mỗi phút sẽ có 2 triệu tế bào não chết đi mà không thể phục hồi. Đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới, nó có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ không chỉ cướp đi sinh mạng mà còn để lại những di chứng nặng nề, khiến người bệnh mất đi khả năng lao động, chăm sóc bản thân. Thống kê cho thấy, mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Dù được cứu sống nhưng có khoảng 30 - 50% người bệnh đột quỵ không thể lấy lại khả năng độc lập về chức năng và 15 - 30% trong số đó bị khiếm khuyết vĩnh viễn.

Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm, trong đó, tỷ lệ tử vong ở mức cao, khoảng 40%. Tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 40 ca bệnh nhập viện mỗi ngày, có những ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận 50 người bệnh.

Đáng chú ý, số lượng người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng tăng. Tình trạng đột quỵ không còn là "bệnh của người già" khi ngày càng nhiều người trẻ tuổi phải đối mặt với căn bệnh này. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng số ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, với số nam giới mắc bệnh gấp 4 lần so với nữ giới.

Thừa cân đi kèm một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Ảnh: Freepik

Thừa cân đi kèm một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Ảnh: Freepik

Có thể thấy, nếu như trước đây, đột quỵ não thường gặp ở những người trên 60 tuổi thì hiện nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch hay hút thuốc, stress nặng... là những "kẻ thù thầm lặng" làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình.

Lối sống lành mạnh là “chìa khóa” để phòng ngừa đột quỵ, do đó, hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ trong lối sống như tập thể dục đều đặn mỗi ngày, ăn uống lành mạnh, hạn chế chất kích thích và khám sức khỏe định kỳ.

>> Đái tháo đường đang 'tấn công' 7 triệu người Việt Nam, tăng gấp đôi so với 10 năm trước: Có thể mầm bệnh cũng tồn tại trong cơ thể bạn

Lần đầu tiên, quốc gia rộng gấp 23 lần Việt Nam thử nghiệm mũ bảo hiểm kiểm tra đột quỵ trong vòng 60 giây

Mới 28 tuổi, chàng trai bất ngờ bị đột quỵ giữa đêm: Bác sĩ nêu 5 thói quen xấu là 'kẻ hủy diệt mạch máu' mà người trẻ thường mắc

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-co-khoang-200000-ca-dot-quy-moi-nam-bao-dong-xu-huong-gia-tang-o-nguoi-tre-cuu-cham-1-phut-mat-2-trieu-te-bao-nao-d128774.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mỗi năm, báo động xu hướng gia tăng ở người trẻ: Cứu chậm 1 phút, mất 2 triệu tế bào não
POWERED BY ONECMS & INTECH