Việt Nam có một ngành học ‘hot’ không kém y, dược: Triển vọng nghề nghiệp rộng mở, tân cử nhân nhận lương 30 triệu/tháng
Nhu cầu nhân lực ngành này đang gia tăng mạnh tại nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và phát triển cộng đồng.
Nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cao
Hiện nay, cả nước có hơn 70 trường đại học và cao đẳng đào tạo ngành Công tác xã hội. Ngành học này chủ yếu tuyển sinh bằng các tổ hợp có môn ngoại ngữ như D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), D66 (Văn, Giáo dục công dân, Tiếng Anh), D14 (Văn, Lịch sử, Tiếng Anh) và D15 (Văn, Địa lý, Tiếng Anh).
Bên cạnh đó, một số trường như Đại học Y tế công cộng còn sử dụng các tổ hợp như B00 (Toán, Hóa, Sinh) và C00 (Văn, Sử, Địa) để xét tuyển.

PGS.TS Phạm Tiến Nam, giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, khoa Khoa học Xã hội và Hành vi của trường, nhận định nhu cầu nhân lực ngành này đang gia tăng mạnh tại nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và phát triển cộng đồng.
Riêng trong lĩnh vực y tế, theo Thông tư 03/2023 của Bộ Y tế, vị trí công tác xã hội được xếp vào nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên môn, chiếm tỷ lệ từ 1-3% tổng số viên chức trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Đến cuối năm 2024, cả nước đã có gần 10.000 người làm công tác xã hội trong hệ thống y tế, tuy nhiên chỉ khoảng 10% trong số này được đào tạo đúng chuyên ngành và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chuyên môn.
TS Đặng Kim Khánh Ly, Trưởng khoa Xã hội học và Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết ngành Công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp được pháp luật công nhận, có hệ thống việc làm và thu nhập ổn định, thậm chí rất tốt nếu có chuyên môn cao.
Chương trình đào tạo chú trọng thực hành
Ngành Công tác xã hội đào tạo chuyên sâu, tập trung trang bị cho sinh viên năng lực hỗ trợ, can thiệp và kết nối dịch vụ dành cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Người học được tiếp cận đồng thời với kiến thức nền tảng về y học, xã hội học, tâm lý học... Một số chương trình còn tích hợp linh hoạt các học phần liên quan đến quản lý, truyền thông nhằm mở rộng năng lực ứng dụng trong thực tiễn nghề nghiệp.

Xuyên suốt quá trình học, sinh viên được chú trọng phát triển kỹ năng thực hành thông qua các tình huống mô phỏng, thực tế, đặc biệt trong môi trường chăm sóc người bệnh và hỗ trợ gia đình họ.
Đồng thời, sinh viên còn được thiết kế nội dung học theo hướng tiếp cận tư duy liên ngành, kết hợp các lĩnh vực như xã hội học, tâm lý học, nhân học, triết học...
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cũng được xem là trụ cột quan trọng trong quá trình đào tạo. Sinh viên được rèn luyện toàn diện các kỹ năng như thực hành can thiệp, phản biện, truyền đạt thông tin, lập kế hoạch, giao tiếp, làm việc nhóm, phân tích và xử lý thông tin...
Thu nhập hấp dẫn, mức điểm chuẩn "dễ thở"
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc đa dạng trong xã hội với mức thu nhập hấp dẫn.
Theo PGS.TS Phạm Tiến Nam, lương khởi điểm với sinh viên tốt nghiệp ngành này ở Đại học Y tế công cộng khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà Lý nói tùy nơi làm việc, tân cử nhân có thể nhận mức 10-30 triệu đồng/tháng.
Nếu làm cho doanh nghiệp hoặc tổ chức quốc tế, mức lương có thể dao động 15-40 triệu đồng hoặc cao hơn.

Bên cạnh đó, mức điểm chuẩn ngành Công tác xã hội năm 2024 ghi nhận sự chênh lệch rõ rệt giữa các trường.
Ở nhóm trường có điểm chuẩn cao, nổi bật là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội với mức điểm từ 26.1-27.94; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM dao động từ 24.49-27.15 điểm.
Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng lấy 24.68 điểm; Trường Đại học Đồng Tháp lấy từ 23.23-23.8 điểm; Đại học Lao động - Xã hội có mức điểm chuẩn dao động từ 24.53-25.25.
Ở nhóm các trường có điểm chuẩn trong khoảng 18-22 điểm, có thể kể đến Học viện Cán bộ TP. HCM, Đại học Quy Nhơn, Đại học Tân Trào, Đại học Đà Lạt, Đại học Vinh...
Trong khi đó, một số trường đại học địa phương và dân lập có điểm chuẩn thấp hơn, dao động từ 15 đến dưới 18 điểm như Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Đại học Cửu Long, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long…