Xã hội

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới sở hữu loài động vật quý hiếm này, các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn

Anh Khoa 20/01/2025 - 15:41

Những gì giới khoa học và công chúng biết về loài này vẫn còn rất hạn chế.

Trên thế giới có rất nhiều loài bò sát, nhưng 96% trong số chúng chưa được bảo vệ đúng mức vì thiếu thông tin đầy đủ. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu loài tắc kè cảnh (Gekko canhi), một loài động vật quý hiếm và độc đáo.

Tắc kè cảnh là loài đặc hữu của Việt Nam, sống ở các khu rừng núi phía Bắc, cùng môi trường sống với loài thạch sùng mí Hữu Liên. Loài tắc kè này được phát hiện lần đầu tiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn) và Sapa (Lào Cai). Tên gọi “tắc kè cảnh” được đặt theo tên của PGS.TS Lê Xuân Cảnh, người đã có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về sinh thái và tài nguyên sinh vật.

Loài tắc kè Gekko canhi có kích thước trung bình, dài từ mõm đến hậu môn khoảng 85 - 99 mm. Chúng có đặc điểm vảy rất rõ rệt: 12 - 14 vảy ở môi trên, 10 - 13 vảy ở môi dưới, 47 - 50 vảy quanh mắt và khoảng 164 - 170 vảy dọc theo thân. Các đặc điểm khác bao gồm các u nhỏ trên lưng và dưới ngón chân, đặc biệt là vảy phình rộng ở đuôi. Tắc kè cảnh cũng có nét tương đồng với tắc kè Nhật Bản (Gekko japonicus), nhưng có kích thước lớn hơn và nhiều vảy quanh mắt cũng như thân hơn.

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới sở hữu loài động vật quý hiếm này, các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn - ảnh 1
Từ khi được phát hiện, tắc kè cảnh vẫn chưa được nghiên cứu sâu rộng. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Từ khi được phát hiện, tắc kè cảnh vẫn chưa được nghiên cứu sâu rộng. Những gì giới khoa học và công chúng biết về loài này vẫn còn rất hạn chế. Năm 2023, nhóm các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Hệ Gen, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, phối hợp với Vườn thú Cologne (Đức), đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện về sinh thái, quần thể và các yếu tố tác động đến loài tắc kè Cảnh. Mục tiêu của nghiên cứu là đề xuất các giải pháp bảo tồn hiệu quả cho loài tắc kè này.

Để có cơ sở đánh giá chính xác các mối nguy đe dọa loài tắc kè Cảnh, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát thực địa kéo dài 3 tháng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn). Trong quá trình khảo sát, nhóm đã ghi nhận tổng cộng 95 cá thể tắc kè Cảnh, với số lượng cá thể ghi nhận cao nhất vào tháng 10/2023 (56 cá thể), tiếp theo là tháng 5 (31 cá thể) và tháng 7 (chỉ 8 cá thể).

Mật độ quần thể tắc kè Cảnh thay đổi theo từng tháng khảo sát. Tháng 10/2023 ghi nhận mật độ quần thể cao nhất, với trung bình 9,6 cá thể/km2/ngày, trong khi tháng 5 có mật độ 6,1 cá thể/km2/ngày. Về cấu trúc quần thể, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ cá thể đực trưởng thành cao nhất vào tháng 5 (48,4%). Cá thể non và cái trưởng thành lại xuất hiện nhiều hơn vào tháng 7, với tỷ lệ lần lượt là 37,5% và 55,4%.

Theo nhóm nghiên cứu, do tắc kè cảnh phân bố cùng sinh cảnh với loài thạch sùng mí Hữu Liên, một loài cực kỳ nguy cấp, nên loài tắc kè này cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các hoạt động của con người. Qua quá trình khảo sát trực tiếp và phỏng vấn người dân địa phương, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận một số hoạt động gây hại đến sinh cảnh sống của tắc kè cảnh, làm suy giảm chất lượng môi trường sống của loài.

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới sở hữu loài động vật quý hiếm này, các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn - ảnh 2
Do tắc kè cảnh phân bố cùng sinh cảnh với loài thạch sùng mí Hữu Liên, một loài cực kỳ nguy cấp, nên loài tắc kè này cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các hoạt động của con người. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Để bảo vệ loài tắc kè cảnh và môi trường sống của chúng, nhóm nghiên cứu đề xuất cần triển khai ngay các biện pháp bảo tồn quần thể và sinh cảnh. Cụ thể, cần phối hợp với chính quyền địa phương và các cán bộ kiểm lâm để tăng cường công tác tuần tra và bảo vệ rừng, bảo vệ các khu vực núi đá vôi nơi loài tắc kè sinh sống. Cũng cần kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp săn bắt động vật trái phép và chặt phá rừng trong các khu vực cấm khai thác.

Bên cạnh đó, việc tập huấn và nâng cao kỹ năng giám sát, tuần tra cho cán bộ kiểm lâm cũng rất quan trọng. Cuối cùng, các chương trình giáo dục cộng đồng cần được triển khai tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị bảo vệ đa dạng sinh thái và tầm quan trọng của loài tắc kè cảnh trong hệ sinh thái.

>> Thú quý hiếm có tên trong Sách đỏ 'đi lạc' vào nhà dân ở Bình Dương

Tìm thấy loài động vật quý hiếm tuyệt chủng gần 1 thế kỷ tại Việt Nam

Công trình trăm tỷ của Hoài Linh từng trải dài 7.000m2, nội thất hoành tráng sơn son thếp vàng, nuôi động vật quý hiếm: Giờ ra sao?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/viet-nam-la-nuoc-duy-nhat-tren-the-gioi-so-huu-loai-dong-vat-quy-hiem-nay-cac-nha-khoa-hoc-dang-no-luc-bao-ton-135146.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới sở hữu loài động vật quý hiếm này, các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn
    POWERED BY ONECMS & INTECH