Tìm thấy loài động vật quý hiếm tuyệt chủng gần 1 thế kỷ tại Việt Nam
Phát hiện này không chỉ góp phần làm rõ hơn sự phong phú và đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn có ý nghĩa to lớn với cộng đồng khoa học toàn cầu.
Vào ngày 12/1, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên thông báo kết quả điều tra thực địa và phân tích dữ liệu. Qua các tuyến khảo sát, điểm nghiên cứu và bẫy ảnh, đã xác định được 11 cá thể Mang Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis) cùng 36 ghi nhận khác về loài Mang thường (Muntiacus muntjak).
Qua phân tích và so sánh 42 mẫu di truyền thu thập từ các loài Mang tại Khu BTTN Xuân Liên, cùng với việc đối chiếu các hộp sọ từ các mẫu lưu trữ trong bảo tàng, các chuyên gia đã khẳng định sự tồn tại của hai loài Mang tại khu vực này.
Các thông tin, mẫu sọ và hình ảnh của Mang Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis) tại Khu BTTN Xuân Liên là ghi nhận chính thức đầu tiên về sự hiện diện của loài này tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên có được mẫu sọ đầy đủ và hình ảnh thực tế về loài Mang Pù Hoạt, kể từ khi loài này được mô tả vào năm 1929.
Sự tồn tại của loài Mang Pù Hoạt tại Khu BTTN Xuân Liên một lần nữa khẳng định giá trị đa dạng sinh học đặc biệt của khu vực này. Đây là nơi được biết đến như một trong những khu vực phân bố quan trọng nhất của loài Vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp, cùng nhiều loài thực vật và động vật nguy cấp, đặc hữu khác.
Đáng chú ý, ghi nhận này cũng xác định rằng Khu BTTN Xuân Liên hiện là nơi duy nhất trên thế giới được biết đến có quần thể Mang Pù Hoạt đang tồn tại. Vì vậy, việc bảo vệ và quản lý hiệu quả hệ sinh thái và tài nguyên rừng tại đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng đối với khu vực mà còn mang ý nghĩa bảo tồn toàn cầu, đặc biệt đối với loài Mang quý hiếm này.
Loài Mang được cho là tuyệt chủng xuất hiện tại rừng Xuân Liên (Ảnh: Internet)
Được biết, Khu BTTN Xuân Liên, nằm ở thượng nguồn sông Chu, thuộc địa phận hành chính của 5 xã và thị trấn thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, quản lý gần 24.000 ha rừng đặc dụng. Đây được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam.
Khu vực này sở hữu hệ thực vật phong phú với 1.228 loài, trong đó có 56 loài nguy cấp, quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Hệ động vật ở đây cũng đặc biệt đa dạng, với 1.811 loài, trong đó 94 loài được xếp vào danh mục quý hiếm, bao gồm: 28 loài thú, 35 loài chim, 15 loài bò sát, 6 loài lưỡng cư, 6 loài côn trùng và 4 loài cá.
Điều đặc biệt là, nhờ những nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn, Khu BTTN Xuân Liên, phối hợp cùng các nhà khoa học, đã xác định được các loài mới cũng như hiện trạng và sinh cảnh sống của nhiều quần thể động, thực vật quý hiếm.
Những phát hiện này không chỉ góp phần làm rõ hơn sự phong phú và đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng khoa học toàn cầu.