Việt Nam - Nhật Bản "bắt tay nhau" thiết lập chuyển đổi số

16-05-2022 11:49|Minh Vũ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của 2 quốc gia. Theo đó hai nước có thể tiến tới thiết lập một quan hệ hợp tác đối tác số.

Sáng 1/5/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội thảo hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Hội thảo do Bộ Công thương, Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…", "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số...".

Thực hiện đường lối, chủ trương đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.

Đến nay, kinh tế số đang dần được hình thành, phát triển nhanh; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hình thức kinh doanh, dịch vụ, chuỗi cung ứng... dựa trên nền tảng công nghệ số.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Chính phủ Việt Nam vẫn đánh giá đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và còn nhiều dư địa cho phát triển.

"Nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Đây là một quá trình không hề dễ dàng với vô vàn thách thức, đòi hỏi những giải pháp phù hợp, toàn diện, hiệu quả và đặc biệt là cần phải tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.

“Hai nền kinh tế của chúng ta có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyên đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng”, Thủ tướng nói.

Lộ dấu hiệu đảo chiều, thị trường bất động sản đang dần hồi phục

Huyện duy nhất nằm trên đất liền sẽ là nơi đặt trung tâm logistics đầu tiên của TP đáng sống nhất thế giới tại Việt Nam

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-nhat-ban-bat-tay-nhau-thiet-lap-chuyen-doi-so-126261.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam - Nhật Bản "bắt tay nhau" thiết lập chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS & INTECH