Việt Nam có lợi thế để thành hub Internet toàn cầu. Trong hành trình đó, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh cùng nhiều quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Chuyên gia nói gì về tương lai của Internet?
Tại Hội thảo Triển lãm Internet Day 2023 được tổ chức sáng 22/11, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ nhiều góc nhìn về sự phát triển của Internet Việt Nam.
Nhắc lại quá khứ, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên ấn tượng với ngày 19/11/1997, thời điểm “giấc mơ” Internet của Việt Nam trở thành hiện thực. Chia sẻ về tương lai của Internet Việt Nam, theo ông Vũ Hoàng Liên, Bộ TT&TT đã định hướng 5 không gian mới sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025, đến năm 2030 sẽ vượt xa viễn thông.
Các không gian này bao gồm điện toán đám mây, nền tảng số, thương mại điện tử, công nghiệp Make in Viet Nam và an ninh mạng. Đây sẽ là những không gian tăng trưởng chính của các doanh nghiệp công nghệ số và viễn thông, Internet Việt Nam trong 10 năm tới.
TS. Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược VNPT AI, cho biết: Trước đây, chúng ta thường tiếp nhận thông tin qua báo chí và các kênh truyền hình quảng bá. Sau đó, Internet mang đến thông tin với lượng dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên, với thế hệ tiếp theo của Internet, chúng ta sẽ không tương tác qua những dòng chat, nói chuyện với màn hình theo cách thông thường.
“Trong tương lai, chúng ta sẽ gộp được thế giới vật lý ở thực tại và thế giới ảo trên Internet. Điều này có thể trở thành hiện thực nhờ sự lên ngôi của vũ trụ ảo (metaverse) và những công nghệ như thực tế ảo (virtual reality)”, TS Lê Thái Hưng nhận định.
Khi được hỏi về tương lai, đại diện VinBigData, TS. Nguyễn Kim Anh, CPO VinBigdata hy vọng thế hệ tiếp theo của Internet sẽ không phụ thuộc vào vị trí địa lý hay các đường dây cáp. Thay vào đó, sẽ có công nghệ mới giúp người dùng kết nối Internet ở khắp nơi, cùng với đó là đường truyền băng thông rộng cho phép truyền tải nhiều thông tin hơn so với hiện tại.
Việt Nam và cơ hội trở thành hub Internet toàn cầu
Trước câu hỏi về việc liệu Việt Nam có thể trở thành hub kết nối Internet toàn cầu, ông Sean Bergin, Chủ tịch và là nhà đồng sáng lập APTelecom cho rằng, điều này là có khả năng nhưng đây là cả một hành trình chứ không thể làm được trong một sớm một chiều. Trong hành trình đó, Việt Nam cần phải cạnh tranh cùng nhiều quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Theo đại diện AMS-IX, ông Charles Karsten, bất kỳ quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm Internet của thế giới. Trong câu chuyện này, Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cùng với đó là sự cởi mở với Internet của Chính phủ và người dân. Đây là những yếu tố quan trọng để trở thành một trung tâm kết nối Internet toàn cầu.
Chia sẻ về câu chuyện này, với quan điểm của người làm AI, TS. Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược VNPT AI cho rằng, điểm khác biệt của Việt Nam nằm ở dân số trẻ, người dân được tiếp cận Internet từ rất sớm. Đây sẽ là động lực để Internet phát triển, trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet của chính người Việt.
Theo TS. Nguyễn Kim Anh, CPO của VinBigdata, sẽ rất tuyệt vời nếu Việt Nam trở thành hub Internet. Mọi quốc gia đều muốn điều này, thế nhưng chỉ một vài nước trên thế giới làm được.
“Nếu muốn cụ thể hóa tham vọng hub Internet toàn cầu, Việt Nam cần một chiến lược rõ ràng, đồng bộ từ Nhà nước đến người dân. Chúng ta cũng cần nhu cầu từ người dân, qua đó có động lực để phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng Internet”, TS Nguyễn Kim Anh nhận định.