Xã hội

Việt Nam phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá cổ 4.000 năm tuổi

Hải Châu 16/09/2024 14:08

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá cổ duy nhất tại Tây Nguyên có niên đại đến 4.000 năm.

Tại khu vực Thác Hai, các nhà khảo cổ đã phát hiện 844 mũi khoan bằng đá cùng hơn 100 hạt chuỗi làm từ đá và thủy tinh, có niên đại từ 2.500 đến 4.000 năm.

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá cổ duy nhất tại Tây Nguyên có niên đại đến 4.000 năm. Ảnh: Người Đưa Tin

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá cổ duy nhất tại Tây Nguyên có niên đại đến 4.000 năm. Ảnh: Người Đưa Tin

Thông tin được Bảo tàng Đăk Lăk công bố sau khi hoàn thành đợt khai quật lần thứ ba tại di chỉ khảo cổ Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp). Trước đó, trong các năm 2021 và 2022, khu vực này đã được các chuyên gia khảo sát và thu thập nhiều hiện vật quý giá. Từ ngày 26/6 đến 28/7, Bảo tàng Đăk Lăk tiếp tục đợt khai quật mới trên diện tích 20m², đồng thời mở rộng khảo sát các khu vực lân cận Thác Hai và dọc hai bờ sông Ea H'leo trong bán kính 10km.

Tại tầng văn hóa dày khoảng 2m, các nhà khảo cổ thu được hơn 100 hạt chuỗi làm từ đá, thủy tinh, gốm, cùng hơn 1.000 mũi khoan và các phác vật bằng các loại đá như opal, jasper, silic, phtanite,... Đặc biệt, trong số đó có 844 mũi khoan đã được mài nhẵn, phần lớn chưa từng qua sử dụng. Ngoài ra, nhiều công cụ khác như bàn mài, rìu, bôn, bình, nồi, chum, vò và bát bồng cũng được phát hiện tại đây.

Hơn 1.000 mũi khoan bằng đá được tìm thấy ở quanh khu vực Thác Hai. Ảnh: VnExpress

Hơn 1.000 mũi khoan bằng đá được tìm thấy ở quanh khu vực Thác Hai. Ảnh: VnExpress

Ông Đinh Văn Một, Giám đốc Bảo tàng Đăk Lăk, cho biết các hiện vật gốm tìm thấy tại Thác Hai có mối liên hệ mật thiết với các nền văn hóa khảo cổ ở Tây Nguyên như Biển Hồ (Gia Lai), Lung Leng và Plei Krông (Kon Tum), cũng như với văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở miền Trung.

Ông Đinh Văn Một cho biết, di chỉ Thác Hai có tầng văn hóa dày nhất từng được khai quật tại Đăk Lăk và Tây Nguyên, chứng tỏ sự cư trú lâu dài và liên tục trong hơn 1.000 năm. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đây là công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá duy nhất được phát hiện ở Tây Nguyên cho đến nay.

Các nhà khảo cổ thu được hơn 100 hạt chuỗi làm từ đá, thủy tinh, gốm,... Ảnh: VnExpress

Các nhà khảo cổ thu được hơn 100 hạt chuỗi làm từ đá, thủy tinh, gốm,... Ảnh: VnExpress

Tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 50 địa điểm khảo cổ từ thời tiền sử và sơ sử, trong đó có 7 di tích đã được khai quật cùng hàng chục khu vực khảo sát. Qua đó, hàng nghìn công cụ lao động, đồ trang sức và vật dụng sinh hoạt bằng đá, đồng và gốm có niên đại từ 2.500 đến 4.500 năm đã được phát hiện và thu thập.

>> 445 ngôi mộ cổ hơn 2.000 năm tuổi được khai quật, hơn 700 món đồ tạo tác văn hóa được phát hiện

Lộ diện ‘kho báu’ hơn 12.000 tỷ đồng có niên đại 370 năm dưới sông, có một vật cực hiếm bằng vàng nguyên chất 95% làm 'chấn động' giới khảo cổ

Phát hiện khảo cổ hàng vạn năm tuổi có loạt ký hiệu cực lạ, được đánh giá có thể viết lại lịch sử văn minh nhân loại

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam phát hiện công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá cổ 4.000 năm tuổi
POWERED BY ONECMS & INTECH