Việt Nam phát hiện thêm 180.000 ca mắc ung thư mỗi năm, gánh nặng bệnh tật do ung thư cao nhất trong ASEAN
Tại Việt Nam, ung thư là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ hai, chỉ sau các bệnh lý về tim mạch.
Tại Hội thảo Đối thoại Chính sách về việc "Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong ra quyết định chi trả thuốc điều trị ung thư" do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với AstraZeneca Việt Nam tổ chức vào ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc ung thư mới và hơn 123.000 ca tử vong do căn bệnh này.
Điều này có nghĩa là cứ 100.000 người dân thì có 105,6 ca mắc ung thư mới. Đáng chú ý, bệnh nhân ung thư vẫn phải tự chi trả tới 70% chi phí điều trị.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2040, số ca mắc ung thư mới ở Việt Nam có thể tăng khoảng 59,4%, trong khi số ca tử vong do ung thư dự báo sẽ tăng tới 70,3%.
Tại Việt Nam, ung thư là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ hai, chỉ sau các bệnh lý về tim mạch. Gánh nặng bệnh tật do ung thư chiếm 10% tổng gánh nặng bệnh tật quốc gia, cao nhất trong số các nước ASEAN.
Theo thống kê, trong năm 2023, chi phí cho thuốc điều trị ung thư đã đạt 7.521 tỷ đồng, đứng đầu trong tổng số các khoản chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay khoảng 93,5% dân số cả nước đã có bảo hiểm y tế, giúp họ được hưởng quyền lợi chi trả từ bảo hiểm, bao gồm cả chi phí điều trị ung thư. Thuốc điều trị ung thư đang trở thành cứu cánh cho hàng trăm nghìn bệnh nhân và gia đình của họ.
Hiện tại, có 69 loại thuốc điều trị ung thư nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, trên tổng số 1.037 loại thuốc hóa dược và sinh phẩm thuộc phạm vi bảo hiểm y tế. Dù có nhiều loại thuốc điều trị ung thư thế hệ mới với hiệu quả cao đã ra đời, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị và mong đợi của bệnh nhân, nhưng chưa được đưa vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.
Việc áp dụng đánh giá công nghệ y tế phù hợp và hiệu quả tại Việt Nam giúp tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo người dân được tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến, hiệu quả. Điều này không chỉ giảm gánh nặng do bệnh ung thư gây ra mà còn tăng cường tính bền vững cho hệ thống y tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia từ Australia và Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm về cách áp dụng đánh giá công nghệ y tế nhằm tối ưu hóa quyết định chi trả, đảm bảo cân đối giữa chi phí và hiệu quả điều trị. Các giải pháp được đề xuất bao gồm: thiết lập quy trình riêng cho thuốc điều trị ung thư, áp dụng các mô hình chia sẻ rủi ro và thành lập quỹ riêng cho thuốc ung thư. Những giải pháp này sẽ là cơ sở để cải thiện chính sách bảo hiểm y tế, giúp đảm bảo tính bền vững của quỹ và tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại.
>> Tìm ra phương pháp mới chống ung thư không cần dùng thuốc
Tìm thấy chất chống ung thư trong một loại gia vị không thể thiếu của món phở Việt
Phát hiện 3 loại trái cây ‘quen mặt’ là tác nhân kích thích ung thư phát triển nhanh chóng