Việt Nam sắp có thêm một vườn quốc gia, được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên 46.000ha tiếp giáp Lào và Trung Quốc
Khu bảo tồn thiên nhiên này trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tiền thân là Khu rừng cấm Quốc gia, được UBND tỉnh Lai Châu thành lập năm 1976 và Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) công nhận năm 1986, với quy mô ban đầu lên tới 182.000ha.
Từ năm 1986 đến 2002, khu rừng do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu (cũ) quản lý. Đến năm 2005, UBND tỉnh Điện Biên ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Năm 2023, đơn vị này được đổi tên thành Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích khoảng 46.000ha, trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Khu vực này giáp ranh hai quốc gia Lào và Trung Quốc, có tuyến đường kết nối lối mở A Pa Chải với trung tâm huyện Mường Nhé đi qua.
Đây là một trong những khu rừng đặc dụng có quy mô lớn và giá trị sinh thái cao của Việt Nam. Hệ sinh thái rừng thuộc kiểu nhiệt đới, á nhiệt đới, sở hữu 742 loài thực vật, 257 loài chim, 130 loài thú và bò sát, trong đó có nhiều loài quý hiếm như pơ mu, dổi, trầm hương, de, lát hoa… cùng 67 loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Khu vực còn nổi bật với các điểm đến mang dấu ấn địa lý - văn hóa như mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại bản A Pa Chải, chợ biên giới A Pa Chải...
Theo báo Lao Động, UBND tỉnh Điện Biên mới đây đã phê duyệt đề cương kỹ thuật dự án “Thành lập Vườn Quốc gia Mường Nhé trên cơ sở chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé”, dự kiến thực hiện trong năm 2025. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là đơn vị chủ đầu tư.
Mục tiêu dự án là rà soát, đánh giá toàn diện các tiêu chí theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Vườn Quốc gia Mường Nhé.

Các nội dung chính gồm: điều tra, cập nhật điều kiện tự nhiên; hiện trạng dân cư, kinh tế - xã hội; ranh giới, diện tích rừng đặc dụng; phân khu chức năng và vùng đệm; hiện trạng sử dụng đất - rừng; hệ sinh thái tự nhiên; nguồn gen, đa dạng sinh học; giá trị lịch sử - văn hóa - du lịch sinh thái…
Trên cơ sở phân tích, so sánh với tiêu chí của Vườn Quốc gia, dự án sẽ xây dựng đề xuất các chương trình hoạt động, giải pháp quản lý và phương án ổn định đời sống cư dân vùng đệm, hướng tới hình thành mô hình bảo tồn bền vững và phát triển sinh thái tại Mường Nhé.
Tỉnh có đường bờ biển đẹp nhất Việt Nam sắp có tổ hợp du lịch thương mại cao cấp 10.000 tỷ
Tỉnh sở hữu 'thiên đường du lịch biển phía Nam' sắp có thêm dự án đô thị 35.000 tỷ đồng