Việt Nam sẽ có khu du lịch sinh thái gần 1.700ha, tọa lạc tại tỉnh sở hữu hồ nước ngọt tự nhiên quy mô lớn nhất cả nước và lọt top thế giới
Khu du lịch sinh thái này nằm trên các tuyến du lịch huyết mạch như cao tốc CT07 (Hà Nội – Bắc Kạn – Cao Bằng) và trục thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể.
Ngày 8/5, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chính thức thông qua Nghị quyết về đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt – một bước đi cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021–2030, định hướng đến năm 2025, nhằm phát triển nơi đây thành khu du lịch cấp tỉnh.

Nằm trên các tuyến du lịch huyết mạch như cao tốc CT07 (Hà Nội – Bắc Kạn – Cao Bằng) và trục thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể, hồ Nặm Cắt giữ vị trí "cửa ngõ chiến lược" trong phát triển du lịch liên kết vùng, mở ra tiềm năng đón khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, khi hồ Ba Bể – hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, thuộc top 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và là khu du lịch quốc gia nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể – đã là điểm đến nổi tiếng toàn cầu, thì hồ Nặm Cắt hứa hẹn trở thành "vệ tinh sinh thái" lý tưởng, bổ sung hoàn hảo vào hệ sinh thái du lịch của tỉnh.
Ẩn mình trong một thung lũng lòng chảo rộng lớn, hồ Nặm Cắt được bao bọc bởi những dãy núi uốn lượn cao từ 132–600m. Nhìn từ trên cao, mặt hồ như một tấm gương khổng lồ soi bóng trời xanh, điểm tô bởi sắc xanh thẳm của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Với diện tích mặt nước 87,68ha, nơi đây không chỉ là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh, mà còn là vùng sinh thái đặc hữu giàu hệ sinh vật. Nước hồ trong vắt quanh năm, mát lạnh ngày hè và huyền ảo giữa làn sương mùa đông.
Cảnh quan nơi đây được chia thành 4 vùng chủ đạo: Không gian mặt nước hồ là linh hồn của toàn khu vực, trải dài theo hướng Tây - Đông như một dải lụa mềm ôm lấy thung lũng; cảnh quan rừng sinh thái chiếm phần lớn diện tích bao quanh hồ gồm các cánh rừng rậm nguyên sinh và rừng phòng hộ; cảnh quan nông nghiệp ven hồ là những vườn cây ăn quả, vườn chè, tạo nên sự đa dạng cảnh quan và mở ra cơ hội phát triển du lịch canh nông, trải nghiệm thu hoạch cùng người dân bản địa; cảnh quan làng bản gồm những ngôi nhà sàn mái ngói của người Tày, Dao ẩn hiện dưới tán cây, bên bờ suối nhỏ, tạo nên không gian yên bình, ấm cúng, phù hợp để phát triển mô hình du lịch homestay gắn với văn hóa truyền thống.
Tầm nhìn đến năm 2045, hồ Nặm Cắt không chỉ là điểm đến sinh thái mà còn là trung tâm nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa vùng cao đặc trưng, đóng vai trò đầu tàu trong chuỗi sản phẩm du lịch xanh của tỉnh Bắc Kạn – bên cạnh "người anh cả" là hồ Ba Bể.

Khu du lịch sẽ chia thành 3 khu chức năng gắn với tiềm năng từng khu vực. Phân khu A có quy mô hơn 508ha dành cho thương mại, du lịch cộng đồng và tổ hợp thương mại sân Golf ở phía Nam hồ.
Phân khu B quy mô hơn 418ha dành cho trung tâm công cộng dịch vụ, quảng trường, làng ẩm thực, nghỉ dưỡng, trị liệu, trải nghiệm sinh thái, làng hoa, du lịch cộng đồng, khách sạn, không gian mặt nước…
Phân khu C quy mô hơn 748ha dành cho không gian dã ngoại, trải nghiệm dưới tán rừng, du lịch mạo hiểm có kiểm soát.
Ngoài ra, đồ án quy hoạch còn bao gồm các hạng mục như trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, du lịch tâm linh và các sản phẩm du lịch xanh đa dạng.
Một lợi thế lớn khác là tuyến cao tốc Chợ Mới – TP. Bắc Kạn đang được triển khai xây dựng. Khi hoàn thành, quãng đường từ Hà Nội đến Bắc Kạn sẽ rút ngắn còn hơn 2 giờ. Đồng thời, tỉnh cũng đang đầu tư tuyến đường nối trực tiếp từ thành phố đến hồ Nặm Cắt, tăng khả năng tiếp cận thuận tiện cho du khách.
Về hạ tầng, đồ án cũng đề xuất xây dựng mới 5 cây cầu qua sông Cầu và hồ Nặm Cắt để kết nối các phân khu; giữ nguyên các cầu treo để làm điểm nhấn cảnh quan; quy hoạch 6 bến thuyền, 5 bãi đỗ xe nhằm phục vụ hoạt động du lịch.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, việc thông qua đồ án quy hoạch không chỉ tạo hành lang pháp lý quan trọng để kêu gọi đầu tư mà còn là bước đệm để lập các quy hoạch chi tiết, triển khai dự án và khai thác hiệu quả tài nguyên vùng hồ theo hướng bền vững, hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế.
3 khu vực đẹp nhất nhì Thủ đô tương lai trở thành khu du lịch quốc gia
Vùng đất được mệnh danh ‘Thụy Sĩ của Việt Nam’ sẽ hình thành 9 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng