Tỉnh sở hữu nóc nhà của Nam Bộ sẽ có công trình rộng 13.000m2 đạt giải thưởng lớn về kiến trúc khi ‘về chung nhà’ với Long An
Sự hợp nhất giữa Tây Ninh và Long An không chỉ đánh dấu bước ngoặt hành chính, mà còn mở ra cơ hội bứt phá cho phát triển đô thị và bất động sản khu vực. Nổi bật trong bức tranh ấy là Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An, công trình kiến trúc 13.000m² vừa giành giải quốc tế danh giá.
Theo phương án tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh: Tây Ninh và Long An sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới mang tên Tây Ninh, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Long An. Đây không chỉ là sự thay đổi về hành chính, mà còn là cú hích lớn mở ra viễn cảnh mới cho bức tranh phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và bất động sản của toàn khu vực.

Trong bức tranh tái cấu trúc ấy, một trong những công trình tiêu biểu là Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An nổi bật lên như một điểm sáng về kiến trúc, văn hóa và tiềm năng phát triển đô thị.
Dù chỉ là một bản thiết kế đạt giải thưởng trong lĩnh vực kiến trúc, Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An được đánh giá không chỉ đơn thuần là một công trình công cộng, mà còn là đại diện tiêu biểu cho tinh thần sáng tạo và tầm nhìn kiến tạo không gian sống, học thuật, văn hóa trong tương lai. Với tổng diện tích lên đến 13.000m², công trình được thiết kế bởi Van Aelst | Nguyen & Partners – đơn vị từng ghi dấu ấn trong nhiều dự án kiến trúc đương đại.

Điểm đặc sắc của công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và yếu tố bản địa. Lấy cảm hứng từ hình ảnh mái dốc của những ngôi nhà ngói truyền thống miền Tây, cấu trúc của bảo tàng – thư viện vừa mộc mạc, gần gũi, lại vừa hiện đại và đầy chất thơ. Mái nhà được thiết kế để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tạo ra sự thông thoáng và cảm giác yên bình cho các không gian bên trong.

Không gian trung tâm là sân giữa đóng vai trò như “trái tim” kết nối toàn bộ khối công trình, giúp bảo tàng và thư viện hòa làm một thể thống nhất, khuyến khích sự giao lưu, học hỏi, và sáng tạo.
Công trình đã ghi danh trên bản đồ kiến trúc quốc tế khi giành giải thưởng World Architecture Community Awards lần thứ 44 – một trong những giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh các công trình kiến trúc truyền cảm hứng trên toàn thế giới.

Chiến thắng này là minh chứng cho tầm vóc của công trình này, đồng thời khẳng định tiềm năng của không chỉ Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An mà của cả tỉnh Long An nói chung - vùng đất chưa được khai phá hết trong lĩnh vực bất động sản đô thị, văn hóa và du lịch. Khi được định vị là trung tâm hành chính của tỉnh Tây Ninh tương lai, Long An sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho du khách và cư dân mong muốn một không gian sống vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc.
Được xây dựng trên nền tảng văn hóa Óc Eo lâu đời, Long An không chỉ là vùng đất giao thoa giữa Đông và Tây Nam Bộ, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt qua hàng trăm năm lịch sử. Với hơn 112 di tích lịch sử - văn hóa, 02 bảo vật quốc gia và các lễ hội đặc sắc như Kỳ Yên, lễ tống phong..., Long An là "viên ngọc văn hóa" của miền Nam, nay được nâng tầm thông qua công trình bảo tàng – thư viện tầm cỡ.

Nếu được hình thành, du khách và người dân sẽ được trải nghiệm các khu vườn chủ đề như Vườn lịch sử, Vườn văn hóa, Vườn kiến trúc, nơi tái hiện không gian sống và nghệ thuật truyền thống qua các trò chơi dân gian, sân khấu đờn ca tài tử, đình làng, vườn cây ăn trái… được thể hiện ở công trình này. Không gian này sẽ vừa mang tính giáo dục, vừa là điểm đến du lịch độc đáo.
Khu thư viện được thiết kế hiện đại, tích hợp các phòng nghiên cứu, tra cứu sách điện tử, hội thảo – tạo nên một hệ sinh thái học thuật hiện đại giữa lòng miền Tây, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên và doanh nhân.

Dù hiện tại Long An vẫn còn được ví như một “viên ngọc thô” của du lịch Nam Bộ, nhưng với sự đầu tư bài bản, kết nối hạ tầng thuận lợi – đặc biệt là gần TP. HCM chỉ khoảng 1,5 giờ di chuyển – Long An đang từng bước chuyển mình. Các điểm đến như làng nổi Tân Lập, nhà cổ trăm cột, làng cổ Phước Lộc Thọ… đang dần thu hút nhiều lượt khách du lịch, kéo theo nhu cầu lưu trú, dịch vụ và đầu tư bất động sản.
Trong tương lai gần, khi Long An chính thức trở thành trung tâm hành chính của tỉnh Tây Ninh mới, các công trình biểu tượng như Bảo tàng – Thư viện sẽ không chỉ là điểm đến văn hóa, mà còn là trung tâm kết nối đô thị, kích hoạt các tiềm năng bất động sản liền kề, tạo thành một trục phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho toàn vùng.

Sự hợp nhất giữa hai tỉnh với bản sắc riêng biệt là Tây Ninh – nóc nhà Nam Bộ, nổi bật với đỉnh núi Bà Đen cao 986 m và Long An – cửa ngõ sông nước miền Tây đang mở ra một chương mới cho phát triển kinh tế, văn hóa và kiến trúc vùng. Trong đó, công trình Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An sẽ là một biểu tượng đầy cảm hứng, không chỉ về mặt thiết kế mà còn về tầm nhìn phát triển đô thị trong kỷ nguyên mới.
Khi bản đồ hành chính được vẽ lại, những "tọa độ văn hóa" như thế này sẽ là nhân tố tiên phong kiến tạo diện mạo mới cho bất động sản khu vực – vừa đậm chất bản địa, vừa vươn tầm quốc tế.