Việt Nam sắp có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc phỉ thúy lớn nhất thế giới: Chế tác từ khối ngọc hơn 35 tấn lấy từ mỏ ngọc lớn nhất Myanmar, giá trị hơn 120 tỷ
Nghệ nhân Đào Trọng Cường cho biết: "Để mua được khối ngọc bích nặng 35 tấn này tôi đã phải bán cả nhà của mình và vay lãi ngân hàng. Nhất định tôi phải tạc được tượng Đức Phật Tổ để tặng cho nhân dân, cho đất nước mình vì đó là sứ mệnh của tôi..."
Ngày 27/8, nhân mùa Vu lan báo hiếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức buổi gặp gỡ báo chí về việc chú nguyện khai tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và tái khởi công chế tác bảo tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni.
Sau lễ khai tượng, bức Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc sẽ được Công ty Thần Châu Ngọc Việt và CTCP Xã hội Nhân Tông dâng thờ tại khu di tích danh thắng Yên Tử vào ngày 13/12/2023 (tức ngày 1/11 năm Quý Mão), nhân ngày giỗ thứ 715 của Phật Hoàng. Bức tượng có tỷ lệ 1/1 với tượng Phật Hoàng trong tháp tổ tại khu di tích Yên Tử.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đang trong quá trình hoàn thiện sẽ được đặt tại Yên Tử.
Cũng trong dịp này, Bảo tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni sẽ tái khởi công chế tác. Bảo tượng được tạo nên từ khối ngọc bích Jadeite khổng lồ, nặng 35 tấn được nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường khai thác từ một mỏ ngọc lớn nhất Myanmar.
Năm 2014, trong một lần chia sẻ trên trang Tri thức và Cuộc sống, doanh nhân, nghệ nhân Đào Trọng Cường cho biết: "Để mua được khối ngọc bích nặng 35 tấn này tôi đã phải bán cả nhà của mình và vay lãi ngân hàng. Nhất định tôi phải tạc được tượng Đức Phật Tổ để tặng cho nhân dân, cho đất nước mình vì đó là sứ mệnh của tôi..."
Quá trình mua và vận chuyển được khối ngọc về Việt Nam cũng không dễ dàng. Năm 2006, lần đầu tiên ông Cường nhìn thấy khối ngọc bích tại Hội chợ đấu giá ngọc Yangon (Myanmar). Khối ngọc này được nhiều nhà buôn ngọc nhận xét là hoàn hảo và hiếm hoi vì nó trọng lượng khổng lồ, màu sắc hài hòa, gần như không có vết nứt.
Tuy rất cố gắng nhưng trong cuộc đấu giá này ông đã không mua được khối ngọc. Cho đến năm 2009 trong một lần đi công tác ở Trung Quốc, một người bạn của ông đã giúp ông tìm được người mua khối ngọc quý. Sau một tháng trao đổi mặc cả ông đã mua được khối ngọc với giá 5 triệu USD (tương đương 120 tỷ đồng).
Đúng 9 giờ ngày 18/01/2010, lễ khởi công chế tác đã diễn ra dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Minh Triết (khi đó là Chủ tịch nước) cùng pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hàng vạn các tăng ni phật tử. Tuy nhiên khi bức tượng còn chưa kịp hoàn thành thì ông Cường đã qua đời vào năm 2022.
Vì vậy, nối tiếp di nguyện dang dở của cố nghệ nhân Đào Trọng Cường, Công ty Thần Châu Ngọc Việt tiếp tục tái khởi công chế tác tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni lớn nhất thế giới, khối ngọc sẽ được chế tác bởi các nghệ nhân kiệt xuất trong và ngoài nước.
Ông Đào Trọng Cường bên khối ngọc bích nặng 35 tấn. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, bà Đào Hạnh Trâm - con gái cố nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường (Thần Châu Ngọc Việt) chia sẻ: "Khối ngọc quý này đã phải trải qua các chặng đường khó khăn suốt 3 năm mới về đến Việt Nam. Trong thế giới đá quý, ngọc phỉ thuý (ngọc bích Jadeite) được xếp vào hàng cao cấp. Trong lịch sử các triều đại vua chúa hàng nghìn năm qua của nhiều nước hiện còn bảo tồn những di vật vô giá bằng ngọc bích Jadeite".
Dự kiến sau khi hoàn thành, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc bích Jadeite sẽ nặng tới 16 tấn, cao 3m, chiều ngang là 2m và chiều dài 1m. Bệ đế nặng tới 9 tấn, cao 60cm, mỗi chiều là 2,1m.
"Tượng sẽ được đặt tại chùa Yên Tử. Đây cũng sẽ là pho tượng Phật ngọc bích Jadeite lớn nhất thế giới, là di sản vô giá của Việt Nam", bà Hạnh Trâm nói.
Về Đào Trọng Cường, ông được biết đến như là một nghệ nhân tài hoa, một doanh nhân thành đạt và cũng là một đại gia trong ngành đá quý. Người ta còn biết đến ông là một người có ý chí và nghị lực phi thường bởi ông phải vượt qua rất nhiều thất bại để đi đến thành công. Ông đã từng là lâm tặc, vàng tặc, đá tặc cho đến là một nghệ nhân có bàn tay vàng, người sáng tạo ra dòng tranh đá quý. Tên tuổi nghệ nhân Đào Trọng Cường nổi đình nổi đám từ khi ông làm tranh chân dung tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị APEC tại Việt Nam. Qua những bức tranh đó, nghề làm tranh đá quý của Việt Nam, dù vừa mới ra đời, song đã được thế giới biết đến. Đây là cách truyền bá hình ảnh đất nước ra thế giới cực kỳ sáng tạo của một người có tinh thần dân tộc cao độ.
Lúc sinh thời, Đào Trọng Cường còn là một doanh nhân thành đạt và chăm chỉ làm từ thiện. Những bức tranh đẹp, được đem bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ cho các hoạt động mang tính cộng đồng như: tác phẩm “Bình minh” bán được 21.400 USD, ông đem ủng hộ các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; bức tranh “Ngày nay” bán được 9.000 USD, ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam. Đặc biệt là tác phẩm “Ba miền” bán được tới 1,83 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này ông đem ủng hộ Quỹ Vì người nghèo…