Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA... đã tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu Việt Nam thâm nhập vào những thị trường lớn.
Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).
Thông đường cho hàng Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021.
Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunei. 3 thị trường mới có quan hệ FTA, như Mexico và Peru ghi nhận mức tăng trưởng sụt giảm (Mexico giảm 0,5% và Peru giảm 5,5%) nhưng thị trường lớn nhất là Canada vẫn tăng tới gần 20,1%.
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021. Cụ thể, thủy sản tăng 41,7%, giày dép tăng 51,7%, dệt may tăng 185,2%, cà phê tăng 140,1%, rau quả tăng 62,3%, hạt điều tăng 39,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%, máy móc và thiết bị tăng 152,3%...
Trong số các C/O mẫu CPTPP đã cấp cho hàng xuất khẩu đi các nước CPTPP, Canada và Mexico là hai nước có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP nhiều nhất, với mức tương ứng là 13,7% và 30,8%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ 8/10 nước CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Thặng dư thương mại từ các nước CPTPP trong năm 2022 đạt 2,63 tỷ USD trong khi năm 2021 Việt Nam thâm hụt khoảng 74,5 triệu USD trong trao đổi thương mại với các nước CPTPP.
Đặc biệt, thặng dư thương mại từ trao đổi thương mại với 3 nước mới có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru trong năm 2022 lên tới 11 tỷ USD, chiếm 94% tổng thặng dư thương mại năm 2022 của Việt Nam và tăng 6,7% so với năm 2021.
Với hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương cho hay: Trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, dù có mức thặng dư thương mại lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ, nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 12,6% và 4,3%.
Với hiệp định UKVFTA, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2%; nhập khẩu từ Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Vương quốc Anh trong năm 2022 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, tỷ trọng thị trường Vương quốc Anh trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam chưa cao, tương ứng là 1,6% và 0,2%.
Còn nhiều dư địa
Mặc dù những số liệu nêu trên đã cho thấy những kết quả tích cực mà các Hiệp định FTA này mang lại; tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, quá trình thực thi vẫn bộc lộ một số khó khăn và tồn tại cần lưu ý.
Đó là xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, CPTPP (Canada và Mexico), Vương quốc Anh dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng tỷ trọng của các thị trường này còn tương đối khiêm tốn (nhiều tỉnh tỷ lệ này chưa đến 10%). Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, ví dụ tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP khoảng gần 5%, trong EVFTA khoảng gần 26% và trong UKVFTA khoảng gần 24%.
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam như giày dép, da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm.
"Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng 'Made in Viet Nam' tại thị trường khó tính như thị trường các nước FTA chưa được quan tâm... ", Bộ Công Thương nêu.
Lương Bằng