Xã hội

Việt Nam tìm thấy con đường cổ, niên đại hàng nghìn năm trong cuộc khai quật ở một tỉnh miền Trung

Mộng Kha 24/10/2024 16:16

Qua các di vật như gốm men và đất nung tìm thấy trong cuộc khai quật, có thể xác định niên đại của con đường này thuộc vào thế kỷ X-XII.

Theo thông tin trên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), chiều ngày 8/4/2024, Viện Khảo cổ học cùng với Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, đã tổ chức hội thảo công bố kết quả bước đầu của cuộc khai quật tại phế tích kiến trúc đường dẫn phía Đông tháp K thuộc quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, cuộc khai quật, bắt đầu từ tháng 3/2024, đã phát hiện một con đường cổ có niên đại hàng nghìn năm. Đây là một trong những phát hiện đáng chú ý về kiến trúc và lịch sử của khu vực này, góp phần làm sáng tỏ thêm về không gian văn hóa-lịch sử của Thánh địa Mỹ Sơn.
k6.jpg

Con đường cổ có niên đại hàng nghìn năm (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, con đường này có kết cấu từ đất được nện chặt, rộng 9m và dài 150m, nằm ở phía Đông tháp K, dẫn vào khu di tích Mỹ Sơn.

Mặc dù tên gọi, chức năng và chiều dài chính xác của con đường vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy đây từng là con đường chính mà người Chăm sử dụng để hành lễ tại Mỹ Sơn, thay vì con đường mà du khách hiện nay thường đi.

k2.jpg

Con đường này có kết cấu từ đất được nện chặt (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, chủ trì cuộc khai quật cho biết, với 220m2 diện tích thăm dò, khai quật khảo cổ, đoàn công tác đã thu được kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, trong hố khai quật đã làm xuất lộ rõ cấu trúc của một đoạn kiến trúc đường dẫn phía Đông tháp K. Cấu trúc cắt ngang con đường rộng 9m bao gồm lòng đường và hai bức tường gạch xếp hai bên, dẫn từ tháp K tới các khu tháp E-F trong thung lũng Mỹ Sơn. Tường bao được xây từ gạch xếp đôi, bên trong nhồi thêm gạch vỡ, với phần mặt trên của tường rộng khoảng 46m.

Theo tiến sĩ Quý, qua các di vật như gốm men và đất nung tìm thấy trong cuộc khai quật, có thể xác định niên đại của con đường này thuộc vào thế kỷ X-XII, tương đương với niên đại của tháp K.

k4.jpg

Các hố thăm dò cũng xuất hiện dấu vết của con đường (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý nhấn mạnh, việc phát lộ những dấu tích chưa từng được biết đến trong lịch sử tồn tại của Mỹ Sơn đã góp phần quan trọng vào việc hiểu rõ hơn về hệ thống kiến trúc và văn hóa của di tích. Việc nghiên cứu khảo cổ học về hệ thống kiến trúc đường đi xung quanh tháp K là rất cần thiết, giúp bổ sung thêm các tư liệu quý giá để làm rõ hơn về không gian văn hóa-lịch sử tại Mỹ Sơn.

>> Khai quật khu phế tích trải dài ven sông, Việt Nam phát hiện hơn 1.000 ‘kho báu’ quý hiếm cùng cổ vật lập kỷ lục 'lớn nhất Đông Nam Á'

Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam

Khôi phục con đường cổ gần 200 tuổi, có 1.000 bậc đá nằm tại tỉnh hẹp nhất Việt Nam

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/viet-nam-tim-thay-con-duong-co-nien-dai-hang-nghin-nam-trong-cuoc-khai-quat-o-mot-tinh-mien-trung-128759.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam tìm thấy con đường cổ, niên đại hàng nghìn năm trong cuộc khai quật ở một tỉnh miền Trung
    POWERED BY ONECMS & INTECH