Xã hội

Khai quật khu phế tích trải dài ven sông, Việt Nam phát hiện hơn 1.000 ‘kho báu’ quý hiếm cùng cổ vật lập kỷ lục 'lớn nhất Đông Nam Á'

Thái Hà 24/10/2024 12:15

Đây là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô rất rộng lớn, trải dài khoảng 15km theo tả ngạn sông Đồng Nai.

Từ lâu, người dân hai bên bờ sông Đồng Nai, thuộc vùng đất Cát Tiên (Lâm Đồng) vẫn thường nhặt được những di vật cổ như tượng đá, bộ sinh khí Linga - Yoni, đồ gốm, kim khí… Cư dân nơi đây dần nhận ra, trong lòng đất nơi họ sinh sống có điều gì đó rất huyền bí và họ bắt đầu mường tượng về một bộ tộc trong quá khứ rất xưa.

Dù vậy, với kiến thức hạn hẹp của mình, không một ai hay rằng, họ đang sinh sống trên một Thánh địa cổ đã hình thành từ cách đây hàng chục thế kỷ. Mãi tới năm 1985, tình cờ trong chuyến đi điền dã điều tra về dân tộc học của hai cán bộ công tác tại Bảo tàng Lâm Đồng, khu di chỉ mới chính thức được phát hiện.

Hơn 1.000 hiện vật được phát lộ

Theo thông tin từ Trang TTĐT huyện Cát Tiên, Di tích Khảo cổ Cát Tiên là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô lớn, trải dài khoảng 15km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai, từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Khai quật khu phế tích trải dài ven sông, Việt Nam phát hiện hơn 1.000 ‘kho báu’ quý hiếm cùng cổ vật lập kỷ lục 'lớn nhất Đông Nam Á' - ảnh 1
Thánh địa Cát Tiên nhiều lần được khai quật, nghiên cứu. Ảnh: Báo CAND

Kết quả khai quật khảo cổ học (từ năm 1994-2006) đã phát hiện nhiều công trình kiến trúc như đền tháp, mộ tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, đường đá cổ… Các công trình này có quy mô lớn nhỏ khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng, với mặt bằng hình vuông hoặc chữ nhật và cửa chính thường quay về hướng Đông.

Trong quá trình khai quật, hơn 1.000 hiện vật đã được tìm thấy, bao gồm các hiện vật bằng nhiều chất liệu quý như vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm… Các hiện vật phong phú về loại hình như tượng Linga - Yoni, tượng thần Ganesa, thần Uma, nhẫn, hạt chuỗi, lá vàng dập nổi hình các vị thần và linh vật của đạo Bà La Môn.

Những kiến trúc và hiện vật được phát hiện tại đây cho thấy Di tích Khảo cổ Cát Tiên từng là một Thánh địa tôn giáo chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo và là dấu tích của một nền văn hóa đặc sắc trong quá khứ.

Di tích Khảo cổ Cát Tiên được coi là một phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam vào cuối thế kỷ XX, mang ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2024_10_23-_thanhdiacattien5-1672893651279_wpty.jpg
Nhiều cổ vật quý giá dần được phát lộ. Ảnh: Báo CAND

Tư liệu khai quật cho thấy văn hóa Cát Tiên đã phát triển qua hai giai đoạn: giai đoạn sớm vào khoảng thế kỷ IV-VI và giai đoạn muộn từ thế kỷ VII-X sau Công nguyên. Đặc biệt, quá trình phát triển của văn hóa Cát Tiên có mối quan hệ mật thiết với văn hóa Champa ở Nam Trung Bộ và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở Đồng bằng Nam Bộ.

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng trong Hội thảo khoa học Di tích Khảo cổ Cát Tiên (tháng 3/2001) nhận xét: “Di tích này có nhiều yếu tố bản địa độc đáo (nội sinh), đồng thời cũng có nhiều yếu tố bên ngoài (ngoại sinh - exogenous).

Các yếu tố ngoại sinh đã thấy từ phía Tây Nam là Chân Lạp và từ phía Đông Bắc là Champa, bao gồm cả về văn hóa hữu thể và vô thể. Có thể những yếu tố văn hóa hữu thể hơi nghiêng về Chân Lạp còn những yếu tố vô thể lại nghiêng về Champa. Do vậy, di tích này có tính ‘đứng giữa nó và chính nó’”.
Bộ ngẫu tượng Linga - Yoni lớn nhất Đông Nam Á

Di tích Khảo cổ Cát Tiên được mệnh danh là Thánh địa Cát Tiên, là nơi lưu giữ những chứng tích về một nền văn hóa đặc sắc đã tồn tại hơn 1.000 năm. Với quy mô rộng lớn và số lượng hiện vật phong phú, khu di tích chứa đựng nhiều giá trị đặc biệt, tiêu biểu như các lá vàng dập nổi hình các vị thần, vật linh của đạo Bà La Môn và bộ sưu tập Linga - Yoni bằng vàng, đồng, đá quý… Đặc biệt, bộ ngẫu tượng Linga - Yoni tại đây được xem là lớn nhất Đông Nam Á, khi so sánh với các di tích tương tự.

Khai quật khu phế tích trải dài ven sông, Việt Nam phát hiện hơn 1.000 ‘kho báu’ quý hiếm cùng cổ vật lập kỷ lục 'lớn nhất Đông Nam Á' - ảnh 3
Linga - Yoni bằng đá lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Báo Lao Động

Theo tư liệu do nhà nghiên cứu Lương Nguyên Minh chia sẻ trên Báo Lao Động, chiếc Linga (sinh thực khí nam) có chiều cao 2,1m, đường kính 80cm. Đi cùng với nó là Yoni có cạnh là 2,26m (Yoni thường có cấu tạo hình vuông hoặc hình chữ nhật, biểu hiện của sinh thực khí nữ). Cổ vật này đã được ghi vào kỷ lục Guinness là “lớn nhất Đông Nam Á”.

Tại Di tích Khảo cổ học Cát Tiên, qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học còn phát hiện rất nhiều bộ Linga - Yoni với rất nhiều chất liệu và kích cỡ.

Nhờ những giá trị khảo cổ và lịch sử - văn hóa vượt thời gian, Di tích Khảo cổ Cát Tiên đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1997. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định xếp hạng di tích này là Di tích Quốc gia đặc biệt, khẳng định tầm quan trọng về giá trị lịch sử - văn hóa cũng như tiềm năng du lịch đặc biệt của khu vực này.

Khai quật khu phế tích trải dài ven sông, Việt Nam phát hiện hơn 1.000 ‘kho báu’ quý hiếm cùng cổ vật lập kỷ lục 'lớn nhất Đông Nam Á' - ảnh 4
Du khách tham quan Di chỉ Khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Internet

Về tiềm năng du lịch, Di tích Khảo cổ Cát Tiên nằm tại khu vực trung tâm của tuyến Đường tỉnh lộ 721, kết nối Quốc lộ 20 (ngã ba Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) với Quốc lộ 14 (ngã ba Sao Bọng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Trung tâm di tích nằm ở bờ Bắc sông Đồng Nai, liền kề với vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên, cách Đà Lạt khoảng 190km về phía Bắc và cách TP. HCM khoảng 180km về phía Nam.

Vị trí này được đánh giá là đắc địa trên bản đồ du lịch, thuận lợi cho việc kết hợp tham quan từ TP. HCM, Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện nay, di tích này vẫn thường xuyên đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu miền đất thánh và đã liên kết nối tour du lịch cho du khách từ Vườn Quốc gia Cát Tiên đi xuyên rừng sang tham quan khu di tích.

>> Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam

Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam

Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/khai-quat-khu-phe-tich-trai-dai-ven-song-viet-nam-phat-hien-hon-1000-kho-bau-quy-hiem-cung-co-vat-lap-ky-luc-lon-nhat-dong-nam-a-128822.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khai quật khu phế tích trải dài ven sông, Việt Nam phát hiện hơn 1.000 ‘kho báu’ quý hiếm cùng cổ vật lập kỷ lục 'lớn nhất Đông Nam Á'
    POWERED BY ONECMS & INTECH