VietABank 3 năm chưa có CEO: Rủi ro mất vốn vượt 1% trên mỗi 100 đồng cho vay
Trong thay đổi mới nhất về nhân sự, VietABank để ông Nguyễn Văn Trọng tiếp tục giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc. Hiệu lực của quyết định từ ngày 25/6 cho đến khi có quyết định mới thay thế, kéo dài chuỗi 3 năm nhà băng không có CEO chính thức.
Ghế Tổng Giám đốc để trống 3 năm
Tháng 7/2020, ông Nguyễn Văn Trọng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã CP: VAB). Trước đó, ông từng là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Tài chính của ngân hàng. Từ tháng 9/2021 đến nay, ông Trọng đảm nhiệm vị trí Quyền Tổng Giám đốc VietABank.
Theo thông tin từ ngân hàng, ông Trọng là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, từng nắm giữ nhiều vị trí quản lý cao cấp tại các tổ chức, tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Được biết, từ năm 2006 – 2007, ông Trọng là kế toán tại Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Du lịch Việt Phương Hà Nội. Từ năm 2007 – 2018, ông giữ chức vụ Phó ban tại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, trước khi chuyển sang làm Kiểm soát viên tại Công ty TNHH MTV Viễn thông số VTC cho đến giữa năm 2019.
Ông Trọng cũng từng đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc CTCP Q7 và sau đó là Chủ tịch HĐQT Công ty HFC Việt Nam.
Trước khi trở thành Quyền CEO VietABank, giữa tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2020, vị lãnh đạo này lần lượt rút khỏi vị trí quản lý ở hai doanh nghiệp trên. Động thái này khi đó được đồn đoán là để đủ điều kiện trở thành CEO đúng nghĩa của VietABank, tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Ảnh minh họa (Internet) |
Vị CEO gần đây nhất của VietABank là ông Nguyễn Văn Hảo, thạc sĩ kinh tế với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông Hảo được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Thường trực VietABank vào năm 2015. Đến tháng 3/2017, ông được giao nhiệm vụ Quyền Tổng Giám đốc và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ ngày 8/7/2017.
Trước ông Hảo, CEO của VietABank là bà Phương Phương Thanh Nhung, sinh năm 1981, cháu gái của ông Phương Hữu Việt, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VietABank trong giai đoạn từ 2011 đến 2021.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương do ông Phương Hữu Việt sở hữu là cổ đông lớn của VietABank. Theo báo cáo quản trị năm 2021 của ngân hàng, Tập đoàn Việt Phương nắm giữ hơn 54,3 triệu cổ phiếu VietABank, tương đương với 12,21% vốn điều lệ của ngân hàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các báo cáo quản trị không còn thể hiện rõ tỷ lệ sở hữu này mà chỉ ghi nhận Việt Phương là cổ đông lớn.
VietABank (VAB) tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trọng làm Quyền Tổng Giám đốc
Nợ xấu tăng mạnh
Ra đời từ năm 2003, với hơn 20 năm hoạt động, nhưng quy mô tài sản của VietABank hiện nay vẫn nằm trong nhóm dưới của các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.196 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.190 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của khách hàng đạt 87.181 tỷ đồng, tăng 23,9% so với năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 917 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo tài chính hợp nhất cũng đã cải thiện đáng kể so với năm 2022.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietABank đạt trên 9,3%, tương đương với mức bình quân của ngành ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của VietABank trong năm 2023 từng lên đến 2,5% trong ba tháng liên tiếp (từ tháng 3 đến tháng 5), sau đó giảm dần về dưới 2%.
Trích BCTN năm 2023 của VAB |
6 tháng đầu năm nay, ngân hàng mẹ VietABank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 448 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần (1.050 tỷ đồng), bên cạnh thu từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng của VietABank nửa đầu năm tăng mạnh lên 154,6 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tại ngày 30/6, tổng nợ xấu của VietABank ở mức 1.675 tỷ đồng, tương ứng tăng 52% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,59% vào cuối năm 2023 lên 2,26%.
Nợ xấu tăng mạnh ở nhóm Nợ nghi ngờ - nhóm IV (tăng 10,3 lần) và Nợ có khả năng mất vốn - nhóm V (tăng 63%). Tỷ lệ nợ nhóm V trên tổng dư nợ là 1,1%, đồng nghĩa với việc cứ cho vay ra 100 đồng thì có khả năng mất vốn 1,1 đồng.
Trích BCTC riêng lẻ 6 tháng đầu năm của VAB |
Liên quan đến việc thu hồi nợ xấu của VietABank, vừa qua, dư luận quan tâm tới khoản vay quá hạn nhiều năm của Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 585 (Công ty 585). Khoản tín dụng gần 265 tỷ đồng từ năm 2010, quá hạn hơn 12 năm nhưng ngân hàng vẫn loay hoay trong việc thu hồi, gây ra nhiều rắc rối pháp lý do tranh chấp và khiếu nại liên quan.
Được biết, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 219 căn hộ tại chung cư Phú Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, do cư dân đã thanh toán gần hết giá trị căn hộ nên phản đối việc ngân hàng tiến hành thu hồi. Tại cuộc họp ngày 21/6 vừa qua, đại diện VietABank cho biết Công ty 585 vẫn còn nợ gần 190 tỷ đồng tiền gốc, chưa tính lãi phát sinh, và ngân hàng đang cân nhắc đề xuất gia hạn thời gian thanh toán thêm 3 năm của công ty này.
>> Từ 28/8, các ngân hàng ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt sẽ được nới ‘room'
Nợ xấu ngân hàng đồng loạt tăng
Chi phí dự phòng cản bước lợi nhuận, nợ xấu ngân hàng tăng 41% so với đầu năm