Vietjet "bật” ra khỏi Top 10 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất 2021, Sovico nợ tỷ đô

01-12-2021 16:04|Hoàng Tú

Trong Top 10 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng VNR500, Vietjet gây bất ngờ khi bị “đánh bật” ra ngoài.

Vietjet “bật” ra khỏi Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet vừa được công bố.

Đáng chú ý nhất là Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) đã rời khỏi Top 10 dù hồi đầu năm nay, công ty vẫn đứng ở vị trí thứ 8, ngay trên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty cổ phần Tập đoàn Masan.

Đầu năm nay, Masan khiêm tốn ở vị trí chốt của Top 10 nhưng tới nay, công ty hàng đầu ngành tiêu dùng vươn lên mạnh mẽ và đứng ở vị trí thứ 5 và SCB vẫn duy trì vị thứ số 9 của mình.

Top 10 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2021 không còn tên Vietjet

Bất chấp những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup vẫn đứng ở ngôi vị quán quan và duy trì vị thế Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong suốt thời gian dài.

Đứng ngay sau Vingroup vẫn là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động. Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji và Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vẫn giữ được vị trí số 3 và 4.

Những cái tên còn lại trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2021 bao gồm Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vương (VPBank) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Chốt phiên cuối cùng của tháng 11/2021, cổ phiếu VJC của Vietjet dừng ở mức 122.500 đồng/cổ phiếu, giảm 2.500 đồng/cổ phiếu, tương đương 2% so với phiên cuối cùng của năm 2020. Đà giảm này của VJC khiến vốn hóa thị trường Vietjet hao hụt 1.354 tỷ đồng.

Không chỉ bị “đánh bật” khỏi Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2021, Vietjet còn đứng ở thứ hạng không cao trong danh sách những cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Vị trí hiện tại của Viejet chỉ là 25.

Diễn biến cổ phiếu VJC không thuận lợi nên vị trí của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cũng thụt lùi theo đánh giá của Forbes. Trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes công bố, bà Thảo đã rớt xuống vị trí thứ 3 tại Việt Nam. Thay thế bà là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát.

Theo Forbes, so với tháng 4 năm nay (thời điểm Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới), tài sản của bà Thảo đã giảm 300 triệu USD xuống còn 2,5 tỷ USD.

Bán tài sản tránh lỗ

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay trong quý 1/2020, Vietjet đã gây sốc khi lần đầu công bố khoản thua lỗ lên đến 989 tỷ đồng. Tới quý 3/2020, khoản lỗ giảm xuống 971 tỷ đồng nhưng vẫn là con số rất lớn.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Vietjet thoát lỗ nhờ bán tài sản

Được quý 2 và quý 4 bù lỗ, tính chung cả năm 2020, Vietjet vẫn đạt lợi nhuận dương. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Vietjet chỉ còn 69 tỷ đồng, giảm 3.738 tỷ đồng, tương đương 98% so với năm 2019.

Giảm 98% đã là điều đáng buồn nhưng trên thực tế, đây vẫn là con số khả quan vì tài chính của Vietjet có thể xấu hơn nữa. Năm 2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet là lỗ tới 2.018 tỷ đồng. Vietjet chỉ đạt lãi dương nhờ hoạt động khác.

Năm 2020, hoạt động khác tăng vọt từ 721 tỷ đồng lên 1.7723 tỷ đồng, nhờ đó công ty mới thoát được một năm thua lỗ thảm. Hoạt động khác ở đây chính là chuyển nhượng dự án (mang về 793 tỷ đồng), thu nhập từ bồi thường (557 tỷ đồng), thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (397 tỷ đồng).

Nói cách khác, năm 2020, Vietjet chỉ thoát lỗ khi bán tài sản.

Tới 6 tháng đầu năm 2021, Vietjet tiếp tục ghi nhận doanh thu giảm sâu, giảm từ 10.970 tỷ đồng xuống chỉ còn 7.556 tỷ đồng. Kết quả là lãi gộp của Vietjet lên tới âm 2.882 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.455 tỷ đồng.

Thế nhưng, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt từ 1.028 tỷ đồng lên 3.776 tỷ đồng nên tính chung 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế 122 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng, tương đương 160% so với cùng kỳ năm ngoái.

Và một lần nữa, hoạt động bán tài sản được lặp lại. Doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến chủ yếu đến từ việc Công ty chuyển nhượng cổ phần. Hoạt động này mang về cho Vietjet số tiền lên đến 3.584 tỷ đồng.

Tựu chung lại, trong cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Vietjet thoát lỗ chủ yếu nhờ việc bán tài sản.

“Anh em” Sovico nợ tỷ đô, lợi nhuận lao dốc

Trong năm 2021, nhà đầu tư VJC còn quan tâm tới một “người anh em” của Vietjet. Đó là Sovico. Gần đây, Sovico thực sự trở thành thỏi nam châm sau khi Sovico sẽ tài trợ cho Linacre số tiền lên đến 155 triệu bảng Anh (tương đương 4.810 tỷ đồng).

Sovico rộng tay chi ngàn tỷ trong bối cảnh Vietjet có bức tranh tài chính không hề sáng sủa. Vì vậy, tình hình hoạt động của Sovico cũng được chú ý. Tại thời điểm cuối năm 2020, Sovico đang trong tình trạng nợ tỷ đô, lợi nhuận lao dốc.

Sovico nợ tỷ đô, lợi nhuận lao dốc

Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Sovico chỉ đạt 893 triệu đồng, giảm 163,1 tỷ đồng, tương đương 99,5% so với năm 2019. Điều đáng nói, lợi nhuận rơi tự do trong khi doanh thu và doanh thu hoạt động tài chính tại Sovico cải thiện mạnh.

Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Tập đoàn năm 2020 tăng 1,2 tỷ đồng, tương đương 70,6% lên 2,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.896 tỷ đồng, tăng 1.555 tỷ đồng, tương đương 456%.

Nguyên nhân “nhấn chìm” lợi nhuận của Sovico chính là chi phí tài chính quá cao. Chi phí tài chính năm 2020 vọt lên 1.829 tỷ đồng, từ con số 161 tỷ đồng của năm 2019. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, đạt 1.816 tỷ đồng.

Đây là kết quả của việc nợ tại Sovico rất cao, đạt mức tỷ đô. Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của Tập đoàn này là 23.900 tỷ đồng (khoảng 1,03 tỷ USD), tăng rất mạnh, tăng 17.741 tỷ đồng, tương đương 288% so với cuối năm 2019 và cao cấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 21.978 tỷ đồng, tăng vượt bậc so với con số 6.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2019. Nợ vay quá cao đã gây áp lực tới lợi nhuận của Sovico.

Xét trong cơ cấu tài sản (nguồn vốn) của Sovico, nợ chiếm chủ yếu. Nợ phải trả đạt 23.900 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nguồn vốn.

Nợ vay tăng “phi mã” trong năm 2020 thế nhưng tại thời điểm cuối năm, Sovico lại âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Sovico là âm 1.308 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 13.132 tỷ đồng.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vietjet-bat-ra-khoi-top-10-doanh-nghiep-tu-nhan-lon-nhat-2021-sovico-no-ty-do-128856.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vietjet "bật” ra khỏi Top 10 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất 2021, Sovico nợ tỷ đô
POWERED BY ONECMS & INTECH