Vietnam Airlines đang loay hoay tìm mọi cửa để sống!
Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (Mã chứng khoán HVN) vừa có công văn giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát. Cổ phiếu này bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ hợp nhất trong các năm 2020, 2021 và quý I/2022, vốn chủ sở hữu âm tại thời điểm 31/3/2022.
Các giải pháp lần này tương tự như những giải pháp được đưa ra ở lần đầu. Cụ thể, HVN đã ra công văn giải trình lần đầu vào ngày 13/6/2022.
Theo đó, HVN sẽ tiếp tục đàm phán cắt giảm, giãn hoãn các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau; bán và cho thuê máy bay… tìm mọi giải pháp tăng doanh thu như khôi phục, mở các đường bay quốc tế thu hút khách du lịch, khách đầu tư.
Bên cạnh đó, hãng cũng đẩy nhanh tái cơ cấu thoái vốn ngoài doanh nghiệp là giải pháp căn cơ để giải quyết âm vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Ngoài ra, HVN sẽ triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu...
Về tình hình kinh doanh, quý II/2022, HVN vẫn chưa thế ngắt lỗ. Cụ thể, HVN lỗ trước thuế 2.497 tỷ đồng; lỗ sau thuế 2.568 tỷ đồng - giảm 43% so với quý II/2021. Đây cũng là quý thứ 10 liên tiếp HVN chìm trong thua lỗ kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo đó, lỗ lũy kế đến 30/6/2022 ghi nhận ở mức 28.921 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tiếp tục âm trên 4.900 tỷ đồng.
Lợi nhuận âm, song kết quả quý II/2022 đã phục hồi và giảm lỗ đáng kể nhờ thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các khó khăn còn tồn tại khiến HVN chưa thể thoát lỗ gồm giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) tăng cao đột biến - mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ, thị trường quốc tế phục hồi chưa được như kỳ vọng.
Vietnam Airlines bị yêu cầu giải trình lý do tăng giá vé máy bay
Vietnam Airlines ‘thoát hiểm’, HVN bay cao với thanh khoản đột biến