Cổ phiếu ngân hàng BIDV và Techcombank vừa tăng mạnh trong phiên 28/6, qua đó lần lượt vượt mặt Vinamilk để leo lên vị trí thứ 6 và 7 trên bảng xếp hạng giá trị vốn hóa thị trường.
Trong khi cổ phiếu ngân hàng thăng hạng mạnh thì cổ phiếu Vinamilk (VNM) lại liên tiếp bị vượt mặt. Với mức giảm 0,6% phiên gần nhất xuống 89.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa Vinamilk đã rơi xuống vị trí thứ 8 trên sàn chứng khoán với giá trị hơn 187.000 tỷ đồng.
Vào tháng 9/2015, doanh nghiệp ngành sữa này từng vượt qua Vietcombank để vươn lên thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Vinamilk đã không còn giữ được “ngôi vương” trong 3 năm qua bởi sự vươn lên của Vietcombank và nhóm Vingroup, và mọi thứ càng thay đổi nhanh hơn trong thời gian gần đây.
Vào đầu tháng 5, Hòa Phát (HPG) trong làn sóng tăng giá của ngành thép đã chính thức thay thế Vinamilk ở vị trí thứ 4. Và đến cuối tháng 5, đến lượt Vietinbank vượt mặt Vinamilk trên bảng xếp hạng vốn hóa.
Sau khi bị BIDV và Techcombank vượt qua, vị thế vốn hóa của Vinamilk vẫn tiếp tục gặp áp lực lớn. Doanh nghiệp dầu khí PV Gas (GAS) đang hưởng lợi rất lớn từ thông tin giá dầu tăng vượt kỳ vọng, chỉ đang kém 2,5% so với vốn hóa Vinamilk. Ngoài ra vốn hóa ngân hàng VPBank (VPB) ở vị trí thứ 10 cũng đang thấp hơn chỉ 10% so với công ty sữa.
Khi thị trường chứng khoán bùng nổ và hầu hết cổ phiếu bluechip đều tăng mạnh thì VNM gần như dậm chân tại chỗ. Cổ phiếu doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đã mất giá hơn 16% so với đầu năm, chỉ số VN-Index tăng hơn 27% cùng thời gian.
Từ vị thế một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài yêu thích, VNM liên tục bị khối ngoại bán ròng với giá trị hơn 6.300 tỷ đồng kể từ đầu năm, chỉ xếp sau mức bán ròng hơn 12.800 tỷ của Tập đoàn Hòa Phát.
Hoạt động kinh doanh của Vinamilk gặp rất nhiều thách thức khi thị trường sữa dần bão hòa. Lợi nhuận ròng quý I/2021 của doanh nghiệp thậm chí giảm 6,5% so với cùng kỳ kỳ và là quý thứ 2 liên tiếp chứng kiến lợi nhuận giảm. Kế hoạch lợi nhuận 2021 của nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam chỉ tăng nhẹ 0,2%, đây có thể là năm thứ 4 liên tiếp có tăng trưởng lợi nhuận dưới 2 con số.
Chứng khoán VnDirect nhận định cổ phiếu VNM thiếu động lực tăng giá trong ngắn hạn. Cổ phiếu có thể tiếp tục chịu áp lực khi giá sữa bột nguyên liệu toàn cầu đã tăng gần 33% kể từ đầu năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang và không có quá nhiều kế hoạch đầu tư lớn trong 5 năm tới do năng lực sản xuất của công ty đã được đảm bảo đáp ứng đến 2025.