Vịnh di sản 'đẹp nhất thế giới' của Việt Nam sẽ có danh hiệu thứ 3 do UNESCO vinh danh?
Trước đó, di sản này đã có hai danh hiệu do UNESCO công nhận cho riêng mình.
Kỳ họp thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra từ ngày 21/7 – 31/7/2024 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ với sự tham dự của 195 quốc gia thành viên, 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới, lãnh đạo Ủy ban quốc gia UNESCO các nước thành viên Công ước Di sản thế giới; các cơ quan tư vấn IUCN, ICOMOS, ICOROM; các chuyên gia, nhà khoa học, phóng viên, báo chí.
Tại đây, Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh do bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm trưởng đoàn đã xin ý kiến của các chuyên gia cũng như các cơ quan tư vấn của UNESCO về việc xây dựng hồ sơ mở rộng tiêu chí 10 về đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long để đề xuất UNESCO công nhận.
Theo quy định của UNESCO, để trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, mỗi di sản cần đạt được 1 trong 10 tiêu chí đã được nêu trong Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Được biết, tiêu chí 10 là mỗi di sản phải chứa đựng các môi trường sinh sống thiên nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học, kể cả những nơi chứa đựng các giống loài bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu xét dưới góc độ khoa học hoặc bảo tồn.
Được biết, vịnh Hạ Long có hệ sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm: các loài sinh vật trên cạn và dưới nước, từ bậc thấp đến bậc cao, sống chung trong 10 hệ sinh thái biển và rừng khác nhau. Cho đến nay, theo thống kê, vịnh Hạ Long có gần 3.000 loài động thực vật sống trong khu vực này, trong đó có 507 loài thực vật trên cạn, 278 loài thực vật phù du, 141 loài động vật phù du, 110 loài san hô, 156 loài cá biển, 71 loài chim, 53 loài thú.
Sự đa dạng về các loài sinh vật trên cạn và dưới nước đã tạo nên một hệ sinh thái vô cùng phong phú và độc đáo tại vịnh Hạ Long, khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực có số lượng loài lớn nhất Việt Nam.
Vịnh Hạ Long không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ mà còn là một kho tàng sinh học quý giá. Nơi đây sở hữu một nguồn gen vô cùng đa dạng và độc đáo. Rất nhiều loài sinh vật sống ở vịnh Hạ Long mang nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, có giá trị dược liệu hoặc có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được 102 loài đang bị đe dọa ở các mức độ khác nhau, trong đó có 64 loài động vật và 38 loài thực vật.
Nếu được công nhận, vịnh Hạ Long sẽ có danh hiệu thứ 3 của UNESCO cho riêng mình.
Trước đó, vịnh Hạ Long đã ba lần được UNESCO xướng tên. Lần đầu tiên vào ngày 17/12/1994, tại Kỳ họp thứ 18 ở Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới theo tiêu chí 7 của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Lần thứ hai vào ngày 2/12/2000, Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 theo tiêu chí 8 về giá trị địa chất - địa mạo tại Kỳ họp toàn thể lần thứ 24 diễn ra ở thành phố Cairns, Queensland, Australia.
Đến ngày 16.9.2023, tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Thủ đô Riyadh (Ả-rập Xê-út), vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, Hải Phòng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Tháng 5/2024, Tạp chí du lịch quốc tế Travel+Leisure đã công bố danh sách 55 điểm đến đẹp nhất thế giới, trong đó vịnh Hạ Long của Việt Nam vinh dự góp mặt.
Tạp chí này mô tả, với vô số khối núi đá vôi được bao phủ bởi rừng già xanh thẳm cùng làn nước xanh màu ngọc bích, vịnh Hạ Long là “điểm đến trong mơ” của các nhiếp ảnh gia và khách du lịch.