Vịnh lọt top đẹp nhất thế giới của Việt Nam được công nhận Di sản Địa chất Quốc tế lần thứ 2
Trước đó, cuối tháng 8 vừa qua, quần thể này đã được Liên hiệp Khoa học Địa chất Quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản Địa chất Quốc tế.
Ngày 11/9, tại Cao Bằng, Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập.
Tại buổi lễ, GGN đã vinh danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là 1 trong 100 Di sản Địa chất Quốc tế lần thứ 2.
Trước đó, vào cuối tháng 8, quần thể này đã được Liên hiệp Khoa học Địa chất Quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản Địa chất Quốc tế. Di sản này được công nhận nhờ hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo karst (địa mạo của các hệ thống phân rã, đặc trưng bởi các hệ thống thoát nước ngầm theo hang động).
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà bao gồm toàn bộ các giai đoạn của quá trình biển ngập chìm karst nhiệt đới, cũng như sở hữu ba loại hình hang động chính (hang hàm ếch biển cổ, hang nền karst cổ và hàm ếch).
Vịnh Hạ Long thể hiện các giai đoạn muộn hơn của quá trình biển ngập chìm, trong khi Quần đảo Cát Bà bổ sung các giá trị địa chất quan trọng thông qua các mẫu hình về giai đoạn đất liền và liên triều.
Năm 1994, Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ.
Năm 2000, Vịnh Hạ Long lại được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ hai với giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất và địa mạo.
Ngày 16/9/2023, tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thiên nhiên Thế giới, UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Vào tháng 5 vừa qua, Tạp chí du lịch quốc tế uy tín Travel+Leisure đã đánh giá Vịnh Hạ Long là 1 trong 55 điểm đến đẹp nhất thế giới để chiêm ngưỡng.