Vĩnh Phúc: Mục tiêu tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… là mục tiêu quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Vĩnh Phúc mặc dù xếp thứ 8 cả nước về chỉ số PCI năm 2022, hoàn thành mục tiêu nằm trong top 10, nhưng so với năm 2021, lại có sự sụt giảm cả về điểm số và thứ hạng.
“Mổ xẻ”, phân tích kỹ nguyên nhân
Điểm số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 68,91 điểm, giảm 0,78 điểm và giảm 3 bậc so với năm 2021.
Xét về 10 chỉ số thành phần tạo nên chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh, chỉ có 2 chỉ số: Tính minh bạch và thiết chế pháp lý tăng điểm; 8 chỉ số còn lại đều ghi nhận sự giảm điểm.
So với năm 2021, chỉ số “chi phí thời gian” giảm tới 1 điểm; “chi phí không chính thức” giảm 0,93; “cạnh tranh bình đẳng” giảm 0.88 điểm; “đào tạo lao động” giảm 0,74 điểm; “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” giảm 0,5 điểm; “gia nhập thị trường” giảm 0,04 điểm; “tiếp cận đất đai” giảm 0,57 điểm; “tính năng động” giảm 0,16 điểm.
Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm về điểm số của 8/10 chỉ số thành phần xuất phát từ công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước, cải cách hành chính ở một số cấp, ngành chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải bỏ ra khoản chi phí khác như chi phí đi lại, chi phí nhân công, chi phí thuê tư vấn dẫn đến tăng chi phí không chính thức.
Đơn cử với chỉ số "tiếp cận đất đai", năm 2021 đây là một trong những chỉ số được cải thiện tốt nhất của tỉnh tăng đến 54 bậc lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Nhưng sang đến năm 2022, chỉ số này có mức giảm sâu khi xếp thứ 31/63 tỉnh thành với 6,99 điểm, giảm 0,57 điểm và giảm 24 bậc so với năm 2021.
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trong năm 2022 tuy đã triển khai có hiệu quả hơn các năm trước nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Sự kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhân lực và các trung tâm hoạt động dịch vụ việc làm còn nhiều hạn chế.
Minh chứng, năm 2022, mặc dù chỉ số "đào tạo lao động" tăng điểm và thứ hạng liên tục trong nhiều năm qua, nhưng năm 2022, chỉ số này tụt giảm đáng kể khi xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố với 6,07 điểm, giảm 0,74 điểm và giảm 10 bậc so với năm 2021.
Đáng chú ý, sự giảm điểm rõ rệt của chỉ số thành phần “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” có thể phản ánh quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh họ đã đặt nhiều kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19 trong năm 2022.
Nâng cao thứ hạng các chỉ số thấp, cải thiện các chỉ số cao
Hướng tới mục tiêu tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ chia sẻ: Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI năm 2023. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc nâng cao thứ hạng các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp và cải thiện các chỉ số có trọng số cao.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể cải thiện, nâng cao các chỉ số t nâng cao thứ hạng các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp và cải thiện các chỉ số có trọng số cao thành phần có liên quan và coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới được đặt ra, đó là: Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, công khai minh bạch các thông tin quy hoạch, các quy định pháp luật của Nhà nước, nhất là các thông tin doanh nghiệp quan tâm; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, cung cấp kịp thời các thông tin nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu quan tâm tìm hiểu.
Ngoài ra, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
Cung cấp đầy đủ thông tin lên Cổng thông tin điện tử theo đúng quy định, nhất là các thông tin chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, huyện và các sở ngành, cũng như các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới...
“Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Phát huy hiệu quả vai trò của Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh và Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…” Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ khẳng định.
Thủ tướng: Tôi mà là doanh nghiệp, sẽ đến ngay Cộng hòa Dominica để đầu tư
Việt Nam mong muốn tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn Hàn Quốc