Vĩ mô

Chủ tịch Khánh Hòa: Vượt tâm lý vùng miền, hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng hơn

Xuân Ngọc 07/07/2025 - 07:34

Mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành động lực và nguồn lực mới để xây dựng Khánh Hòa giàu đẹp, văn minh' - Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa trăn trở.

Tỉnh Khánh Hòa mới được hình thành trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận, diện tích gần 8.600km2, dân số trên 2,2 triệu, 64 đơn vị hành chính cấp xã, phường và 1 đặc khu.

Tỉnh mới sau hợp nhất đứng trước những thời cơ mang tính bước ngoặt để mở ra nhiều dư địa phát triển, bứt phá để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cũ - được Trung ương chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa mới nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũ - giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới nhiệm kỳ 2020-2025.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông về những áp lực, niềm tin, tinh thần đoàn kết cũng như hành động mới đưa tỉnh Khánh Hòa phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Là nhân sự được Thủ tướng chỉ định làm Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa mới với không gian phát triển rộng lớn hơn nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn, cảm xúc của ông khi gánh vác trọng trách này như thế nào?

- Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng đã tin tưởng, giao cho tôi trọng trách lớn lao này. Tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng đồng thời cũng nhận thức rõ rằng vinh dự luôn đi kèm với trách nhiệm.

Tỉnh Khánh Hòa mới là địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt, nhiều tiềm năng, như: bờ biển dài nhất cả nước (490km), hệ thống giao thông quốc lộ 1 cao tốc xuyên tỉnh, 4 di sản UNESCO cùng hơn 200 đảo lớn nhỏ. Đây vừa là tiềm năng, vừa là thách thức để chúng tôi xây dựng địa phương thành trung tâm kinh tế - văn hóa biển đảo hàng đầu.

Cảm xúc đầu tiên của tôi là sự trân trọng thành quả của các thế hệ đi trước, sự nỗ lực không ngừng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã xây dựng nên một Khánh Hòa phát triển như hiện nay. Sau đó, tôi suy nghĩ làm thế nào để xứng đáng với sự tin cậy đó, và mang lại kết quả thực chất cho người dân, cho địa phương.

Chắc hẳn ông đã chuẩn bị cho mình một chương trình hành động để điều hành tỉnh mới trong thời gian tới. Ông có thể chia sẻ những ưu tiên hành động khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa?

- Khi nhận nhiệm vụ, tôi xác định rõ rằng mỗi cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền địa phương, phải chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đủ về kiến thức, tinh thần và bản lĩnh để sẵn sàng gánh vác trọng trách được giao.

Tôi không mang theo một chương trình đóng sẵn từ nơi khác mà mang theo tinh thần lắng nghe, kết nối và hành động phụng sự một cách nghiêm túc. Tôi luôn giữ cho mình một thái độ nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao nhất trong triển khai công việc.

Yêu cầu đầu tiên tôi đặt ra là phải nắm bắt công việc một cách nhanh chóng, triển khai nhiệm vụ thông suốt, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ưu tiên đầu tiên là ổn định tổ chức bộ máy sau sáp nhập, bảo đảm mọi hoạt động diễn ra thông suốt, không gián đoạn. Tiếp đến là rà soát các quy hoạch lớn, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị ven biển, hạ tầng giao thông, kinh tế biển, du lịch chất lượng cao…

Song song đó, tỉnh sẽ rà soát toàn bộ tiềm năng, lợi thế và các quy hoạch chiến lược để tạo nên một “tâm thế mới” cho một Khánh Hòa đang trên đà phát triển, đặc biệt khi có thêm động lực từ sự sáp nhập.

Tôi cũng sẽ cùng tập thể lãnh đạo tỉnh làm rõ từng dư địa phát triển của 2 địa phương cũ (Ninh Thuận, Khánh Hòa), để từ đó không bỏ sót tiềm năng nào.

Làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới chắc hẳn sẽ rất khác so với Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận trước đây, và áp lực sẽ không ít, thưa ông?

- Mỗi địa phương có đặc thù riêng, và áp lực thì ở đâu cũng có, chỉ khác nhau về quy mô, tốc độ, kỳ vọng. Khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tôi đã học được nhiều điều quý báu, đặc biệt là sự linh hoạt trong điều hành, cách đặt con người làm trung tâm của chính sách, và luôn kiên định trong việc theo đuổi mục tiêu dài hạn.

Ở Khánh Hòa thì quy mô, thách thức lớn hơn nên càng phải bản lĩnh hơn. Tôi tin, nếu có sự đồng lòng của cả hệ thống và sự tin yêu của người dân, không có gì không thể vượt qua.

Chúng tôi không nhìn nhận việc hợp nhất đơn thuần là phép cộng các đơn vị hành chính. Hai địa phương khi hợp nhất sẽ mở ra không gian phát triển mới, cơ hội mới, với liên kết vùng, liên kết ngành, liên kết khu vực được mở rộng.

Nếu thực hiện tốt việc hoàn thiện quy hoạch, triển khai các chiến lược phát triển các ngành kinh tế trọng điểm một cách bài bản, khả thi, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu lớn về phát triển kinh tế, đầu tư; xây dựng chính quyền vững mạnh, giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa đặt ra.

Mục tiêu xuyên suốt là: phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành động lực mới, nguồn lực mới cho xây dựng, phát triển Khánh Hòa thành một địa phương giàu đẹp, hiện đại và văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới; đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, với nền tảng là một nền hành chính hiện đại, một nền kinh tế năng động, một xã hội văn minh và nhân văn.

Với 5 năm giữ chức Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, ông sẽ vận dụng những kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm như thế nào trong điều hành, quản lý của một tỉnh nhỏ vào tỉnh lớn?

- Áp lực là chắc chắn. Tỉnh Khánh Hòa mới không chỉ lớn về diện tích, dân số, kinh tế, mà còn lớn về kỳ vọng. Nhưng tôi cũng có nền tảng để tự tin. Hơn 30 năm công tác trong bộ máy hành chính nhà nước, tôi đã trải qua các vị trí từ cơ sở đến cấp tỉnh, từ chuyên môn kỹ thuật đến lãnh đạo điều hành.

Ninh Thuận từng là một tỉnh đặc biệt khó khăn, nhưng chúng tôi đã từng bước đưa tỉnh bứt phá, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và du lịch chất lượng cao. Chính những trải nghiệm ở địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như Ninh Thuận đã cho tôi nhiều bài học sâu sắc. Làm sao để biến cái khó thành động lực sáng tạo? Làm sao để chính quyền gần dân, nói ít làm nhiều? Đó là những điều tôi luôn trăn trở.

Tôi nghĩ, với bất kỳ địa phương nào, bài toán cũng nằm ở chỗ tổ chức thực hiện, làm thế nào để chủ trương đi vào cuộc sống.

Cùng với đó, tôi không nghĩ tỉnh nhỏ thì không có giá trị tham khảo cho tỉnh lớn. Ngược lại, chính sự hạn chế về nguồn lực buộc chúng tôi phải luôn suy nghĩ, trăn trở để tìm các giải pháp vượt qua khó khăn. Những trải nghiệm ấy là vốn quý, giúp tôi rèn luyện bản lĩnh, sự nhẫn nại và tinh thần hành động đến cùng.

Nhưng tôi cũng hiểu rõ rằng một mình thì không thể làm được gì lớn lao. Sức mạnh để tạo ra thay đổi đến từ sự đoàn kết và quyết tâm của cả hệ thống - từ tỉnh đến cơ sở, từ chính quyền đến nhân dân. Đó mới là nền tảng để thực thi hiệu quả những chủ trương, chính sách quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Trong giải quyết công việc, Đảng ủy UBND tỉnh đặt ra 4 mục tiêu rất cụ thể đối với “Chính quyền không giấy gắn với đánh giá cán bộ đo lường bằng KPI” tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐU ngày 4/7.

Tỉnh cũng phát động phong trào thi đua trong 30 ngày thực hiện chủ đề “Ngày không in giấy”, “Tuần làm việc không văn bản giấy”. Việc này nếu hoàn thành tốt ở tất cả cơ quan hành chính, từ xã lên tỉnh, thì hiệu suất công vụ sẽ tăng đột phá, niềm tin nhân dân sẽ được củng cố.

Hiện nay, Khánh Hòa đang được Trung ương giao nhiều cơ chế đặc thù, nhưng thời hạn chỉ 5 năm. Nếu không tận dụng từng ngày, từng giờ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng. Không thể để cơ chế hết hạn mà vẫn “loay hoay bàn”, không hành động.

Đâu là thách thức đặt ra mà ông cùng lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh phải vượt qua trong giai đoạn này?

- Thách thức lớn nhất là tâm lý “chờ đợi” trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ cấu hành chính cũ sang một mô hình mới, rộng hơn, phức tạp hơn. Sẽ có người lo lắng về vị trí việc làm, về phân công mới, về cơ hội phát triển… Nhưng nếu không vượt qua được giai đoạn này bằng một tinh thần trách nhiệm và niềm tin vào tương lai, chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội.

Vì vậy, việc giữ vững đoàn kết nội bộ, truyền cảm hứng đổi mới cho đội ngũ, đó là thử thách nhưng cũng là sứ mệnh của người đứng đầu.

Khi sáp nhập 2, 3 tỉnh làm một, điều nhiều người lo lắng nhất là không ít lãnh đạo vẫn còn tâm lý “người của tôi, người của anh”?

- Tôi hiểu và chia sẻ với nỗi lo này. Nhưng tôi tin, nếu chúng ta thực sự lấy việc chung làm trọng, đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên hết thì dần dần, những rào cản tâm lý ấy sẽ được tháo gỡ. Những tâm lý, tâm trạng vùng miền sẽ được vượt qua để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn, vì một Khánh Hòa phát triển phồn vinh và thịnh vượng.

Ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, tôi cam kết sẽ công bằng, minh bạch, không có vùng cấm, không có “người của tôi hay người của anh”. Quan điểm của tôi là dùng người vì việc, không vì xuất thân.

Theo ông, đâu là thế mạnh để đưa Khánh Hòa phát triển bứt phá trong thời gian tới?

- Khánh Hòa có vị trí địa chính trị chiến lược, có đầy đủ hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy và đường sắt, kết nối thông suốt theo chiều Bắc - Nam và Đông - Tây. Đây là cơ hội lớn để Khánh Hòa trở thành đầu mối quan trọng của chuỗi logistics quốc gia, đảm nhiệm hoàn hảo vai trò trung chuyển hàng hóa và năng lượng cho toàn bộ khu vực duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.

Tỉnh cũng có truyền thống cách mạng, con người hiền hòa, năng động, hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa bảo đảm cho sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Với tất cả những điều này, nhân dân tỉnh nhà xứng đáng được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.

Trên cơ sở các cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương ban hành, điều tỉnh cần làm lúc này là có một quyết tâm mạnh mẽ, vận dụng chính sách linh hoạt, sáng tạo và tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn.

Chúng tôi sẽ tập trung phát triển Khánh Hòa thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng cao của cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao khi đồng bộ cả quy hoạch, chính sách và nguồn lực. Tôi tin Khánh Hòa sẽ bứt phá.

Là một kỹ sư Lâm nghiệp, tiến sĩ Lâm sinh, ông sẽ vận dụng sở trường của mình vào công tác chỉ đạo, điều hành tỉnh như thế nào?

- Chuyên môn lâm nghiệp dạy tôi sự kiên trì, tư duy hệ sinh thái, cách đánh giá dài hạn và phát triển bền vững. Tôi rất yêu màu xanh, không chỉ là rừng cây mà là màu xanh của phát triển bền vững.

Trong điều hành, tôi luôn nhìn vấn đề theo hướng tổng thể, liên kết ngành và đặt sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường làm nền tảng. Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng, biến đổi khí hậu, sinh kế bền vững cho người dân, cho người đồng bào vùng núi cũng là mối quan tâm của tôi.

Tôi nghĩ, chuyên môn là nền tảng, nhưng điều quan trọng hơn là trái tim - trái tim của một người cán bộ dám nghĩ, dám làm và sống trọn với trách nhiệm, vinh dự được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.

>> Chi tiết tên gọi, trụ sở 65 xã, phường và đặc khu của tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa điều động 15 lãnh đạo cấp sở về xã sau sáp nhập hành chính

Sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo khổng lồ

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chủ tịch Khánh Hòa: Vượt tâm lý vùng miền, hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng hơn
    POWERED BY ONECMS & INTECH