VN-Index giảm 14% sau 3 phiên, vốn hóa thị trường bốc hơi 40 tỷ USD: Nhà đầu tư nín thở chờ tín hiệu từ Mỹ
Chứng khoán SHS cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể điều chỉnh 15–20% từ đỉnh gần nhất 1.343 điểm.
Phiên giao dịch 8/4 khép lại với thêm một cú rơi mạnh của thị trường chứng khoán: VN-Index giảm tiếp 78 điểm, lùi sát mốc 1.130 điểm. Dù thanh khoản thị trường có phần hạ nhiệt, còn khoảng 27.000 tỷ đồng, áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong phiên chiều, số lượng cổ phiếu giảm sàn vọt lên 414 mã, riêng nhóm VN30 ghi nhận 24 mã rơi hết biên độ.
Chỉ trong 3 phiên sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam, thị trường chứng khoán đã rơi vào trạng thái đáng lo lắng:
- VN-Index mất 185 điểm, tương đương 14% giá trị, lần lượt xuyên thủng các mốc kỹ thuật quan trọng 1.300 – 1.250 – 1.200 – 1.150, đóng cửa phiên 8/4 tại 1.132,8 điểm;
- Gần 4,8 tỷ cổ phiếu được sang tay trên sàn HoSE, bình quân mỗi phiên có tới 200–400 mã giảm sàn;
- Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường vượt 110.000 tỷ đồng (hơn 4,3 tỷ USD);
- Khối ngoại bán ròng hơn 8.200 tỷ đồng, rút mạnh khỏi nhiều mã vốn hóa lớn;
- Vốn hóa toàn thị trường "bốc hơi" hơn 1 triệu tỷ đồng – tương đương khoảng 40 tỷ USD.
>> Khối ngoại xả hơn 70 triệu cổ phiếu một ngân hàng VN30 sau cú sốc thuế quan Mỹ
Sắc đỏ phủ khắp bảng điện tử, tâm lý hoảng loạn lan rộng, nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng loạt bán tháo. Tất cả đang chờ đợi những thông tin mới, kỳ vọng vào khả năng trì hoãn thuế trước ngày 9/4 để thị trường có cơ hội "hồi sức".
Về phía Việt Nam, tối 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức đề xuất phía Mỹ lùi thời điểm áp thuế ít nhất 45 ngày để có thời gian đàm phán. Tuy nhiên, ông Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Mỹ, nhận định trên truyền hình rằng mức thuế 0% Việt Nam đang áp với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ là "chưa đủ" để tạo thế cân bằng.
Trong bối cảnh VN-Index đã giảm 14% chỉ sau 3 phiên, khả năng thị trường bước vào "thị trường gấu" (giảm từ 20% trở lên so với đỉnh) đang trở thành nỗi lo hiện hữu.
Chứng khoán SHS cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể điều chỉnh 15–20% từ đỉnh gần nhất 1.343 điểm. Với mức margin cao như hiện nay, nguy cơ giảm sâu là điều không thể loại trừ. Kịch bản khả quan hơn, thị trường có thể điều chỉnh nhẹ quanh ngưỡng 10% nếu có tín hiệu hỗ trợ từ chính sách và đàm phán thuế.
Trong giai đoạn biến động, SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu đầu ngành, có sức đề kháng tốt với suy thoái, coi đây là "vùng trú ẩn" tạm thời. Nếu VN-Index giảm 15–20%, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần, song tuyệt đối không nên sử dụng đòn bẩy cao.
Dù thị trường ngắn hạn đang biến động dữ dội, SHS vẫn giữ kỳ vọng VN-Index có thể phục hồi và tăng 11–12% trong năm 2025, hướng đến vùng 1.400–1.420 điểm nếu điều kiện vĩ mô và chính sách được cải thiện rõ rệt.
'Thứ Ba đen tối' của chứng khoán Việt Nam: VN-Index rơi 77,88 điểm, 437 cổ phiếu giảm sàn
VN-Index giảm sâu, SAB bất ngờ 'lội ngược dòng' sau tin chi 6.400 tỷ chia cổ tức