VAFI: Đánh thuế cổ phiếu thưởng là bất cập, các nước khác không làm vậy
VAFI vừa lên tiếng phản đối việc đánh thuế thu nhập cá nhân trên cổ phiếu thưởng, cho rằng quy định này vô lý và không phù hợp. Hiệp hội đề xuất áp dụng thuế 3% trên phần lợi nhuận thực tế khi bán chứng khoán, thay vì thu hai lần như hiện nay.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa lên tiếng phản đối một số nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) liên quan đến chuyển nhượng chứng khoán, đặc biệt là quy định đánh thuế trên cổ phiếu thưởng.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế ngay cổ tức bằng cổ phiếu, không chờ bán. Bộ Tài chính dẫn kinh nghiệm quốc tế, cho rằng một số nước như Thái Lan và Ấn Độ áp thuế ngay khi chi trả cổ tức. Cụ thể, Thái Lan thu 10%, còn Ấn Độ thu 10% với phần thu nhập vượt 5.000 rupee.
Các nước khác không đánh thuế toàn bộ cổ phiếu thưởng
Theo VAFI, Ban soạn thảo đã hiểu sai hoặc dịch sai tài liệu tham khảo khi cho rằng nhiều nước đánh thuế cổ phiếu thưởng. Từ nghiên cứu chính sách thuế của 16 quốc gia, VAFI khẳng định phần lớn các nước áp dụng phương pháp Capital Gain Tax (CGT), tức chỉ đánh thuế trên phần lợi nhuận thực tế khi nhà đầu tư bán chứng khoán.
Với phương pháp CGT, thuế TNCN chỉ phát sinh khi có giao dịch bán chứng khoán và xác định được lãi, tức lấy giá bán trừ giá mua bình quân. Các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ đã áp dụng cách tính này từ lâu. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia là hai nước duy nhất ở Đông Nam Á vẫn thu theo phương pháp khoán - đánh thuế 0,1% trên tổng giá trị bán, bất kể giao dịch lỗ hay lãi. Đây là cách đánh thuế mà theo VAFI chỉ còn phù hợp với thị trường sơ khai.
Đặc biệt, VAFI phản ánh bất cập lớn khi đánh thuế TNCN 2 lần với cổ phiếu thưởng. Cụ thể, hiện nhà đầu tư cá nhân khi bán cổ phiếu thưởng phải chịu đồng thời: thuế khoán 0,1% trên toàn bộ giá trị bán và thuế 5% trên giá trị cổ phiếu thưởng tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dù chưa xác định được lời hay lỗ.
"Không có lý do gì để cùng một giao dịch lại bị đánh thuế hai lần. Càng vô lý hơn khi phần cổ phiếu thưởng nhà đầu tư không bỏ vốn để mua, nhưng vẫn bị coi là thu nhập chịu thuế" - VAFI nhấn mạnh.
![]() |
Ảnh minh họa |
VAFI cũng chỉ ra sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Trong khi cá nhân bị đánh thuế cổ phiếu thưởng, thì tổ chức lại không phải nộp loại thuế này do phần lợi nhuận từ bán cổ phiếu thưởng được hạch toán một lần trong báo cáo tài chính không thể ghi nhận lại khi giao dịch.
Để minh chứng, VAFI đưa ra ví dụ cụ thể: một nhà đầu tư cá nhân mua 10.000 cổ phiếu giá 500 triệu đồng, sau đó bán với giá 550 triệu, thu lời 50 triệu và nộp thuế khoán 0,1% trên 550 triệu. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư này được chia thêm 10.000 cổ phiếu thưởng (không bỏ thêm vốn), sau đó bán toàn bộ 20.000 cổ phiếu thu về 550 triệu thì vẫn chỉ lời 50 triệu, nhưng phải nộp thêm 5% TNCN trên phần cổ phiếu thưởng, tức bị đánh thuế hai lần cho cùng một khoản lãi.
Đề nghị đánh thuế 3% trên phần lãi
Từ những bất cập hiện hành, VAFI đề xuất đưa phương pháp tính thuế theo lợi nhuận thực nhận (CGT) vào Dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi năm 2025.
Theo đó, thuế TNCN chỉ áp dụng khi nhà đầu tư bán cổ phiếu và phát sinh chênh lệch dương giữa giá bán và giá mua bình quân, với thuế suất đề xuất là 3%. Việc thu thuế CGT thực hiện theo từng lần bán, áp dụng thống nhất cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam, tương tự cơ chế đang áp dụng hiện nay.
VAFI nhấn mạnh phương pháp CGT rất dễ triển khai, do hệ thống công nghệ giao dịch và lưu ký chứng khoán tại Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện theo dõi giá mua/bán bình quân. Mức thuế 3% là hợp lý, vừa khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, vừa hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết huy động vốn, từ đó đóng góp lâu dài cho ngân sách quốc gia.
Đồng thời, VAFI đề nghị bỏ sắc thuế thu nhập cá nhân đánh vào cổ phiếu thưởng, do đây không phải là khoản thu nhập thực tế và chưa được chuyển nhượng để xác định lãi/lỗ.
Từ tài liệu thu thập, VAFI cho biết nhiều quốc gia như Brunei, Hong Kong, New Zealand, Singapore, Malaysia, Lào, Hàn Quốc, Thái Lan, Qatar, Oman và Kazakhstan đều không thu thuế chuyển nhượng chứng khoán trên sàn. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp niêm yết, phát triển thị trường vốn và thúc đẩy kinh tế.
Kể từ nay, những trường hợp này sẽ được miễn thuế TNCN khi giao dịch nhà đất
Từ giờ, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp có phải nộp thuế TNCN và lệ phí trước bạ không?